Theo Reuters, ngày 9-11, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã tìm cách trấn an Ukraine về sự ủng hộ vững chắc của châu Âu, vài ngày sau khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, gây ra sự không chắc chắn về viện trợ của Washington cho Kiev.
Ông Josep Borrell, quan chức cấp cao đầu tiên của EU đến thăm Kiev kể từ chiến thắng của ông Donald Trump, cho biết mục đích chuyến thăm là nhấn mạnh sự ủng hộ của EU đối với Ukraine khi cuộc chiến với Nga đã kéo dài gần 1.000 ngày.
Theo ông Borrell, EU đã cung cấp 122 tỷ euro (131 tỷ USD) hỗ trợ quân sự và tài chính và huấn luyện khoảng 60.000 binh sĩ Ukraine, đồng thời cho biết khối này đặt mục tiêu đạt con số 75.000 vào cuối mùa Đông.
"Sự ủng hộ này vẫn không hề lay chuyển và hoàn toàn cần thiết để các bạn có thể tiếp tục tự vệ trước chiến dịch quân sự của Nga", nhà ngoại giao EU phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha tại Kiev. Ông tái khẳng định sự ủng hộ của liên minh đối với lời kêu gọi của Ukraine về việc cho phép tấn công tầm xa vào các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga.
Sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây đóng vai trò quan trọng trong khả năng tự vệ của Ukraine trước Nga. Mặc dù Mỹ là đồng minh quan trọng, nhưng ông D.Trump đã chỉ trích quy mô hỗ trợ quân sự và tài chính của nước này cho Kiev và cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, nhưng không nói rõ bằng cách nào.
Ông Borrell cho biết các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ họp vào tuần tới để thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine và sẽ đưa ra lý lẽ để "tăng cường hỗ trợ vào thời điểm quan trọng này".
Cùng ngày, tờ Telegraph đưa tin Tổng thống đắc cử Mỹ, ông D.Trump có thể sẽ kêu gọi quân đội Anh và châu Âu thực thi vùng đệm mà ông sẽ cố gắng áp đặt trên tiền tuyến hiện tại ở Ukraine.
Theo một trong những kế hoạch hòa bình mà ông D. Trump đang cân nhắc, tiền tuyến hiện tại ở Ukraine đang bị đóng băng. Theo Telegraph, Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine để ngăn chặn Mátxcơva tái khởi động chiến tranh . Đổi lại, Ukraine sẽ đồng ý không theo đuổi tham vọng gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong 20 năm.
Kế hoạch của D.Trump không bao gồm việc triển khai quân đội Mỹ để tuần tra vùng đệm rộng 1.200km hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính của Mỹ cho nhiệm vụ này. Những phát hiện trong báo cáo được đưa ra trong bối cảnh có nhiều suy đoán về cách ông D.Trump sẽ cố gắng thực hiện lời hứa chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng.
Ngày 9-11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga "sẵn sàng lắng nghe" các đề xuất của ông D.Trump nhưng nói thêm rằng sẽ không có "giải pháp đơn giản".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.