Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Luxembourg vào ngày hôm nay (14-4) để thảo luận về các bảo đảm an ninh cho Ukraine và xem xét việc chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 17 của EU đối với Liên bang Nga.
Một quan chức cấp cao của EU cho European Pravda biết với điều kiện giấu tên rằng các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Luxembourg vào ngày 14-4 để thảo luận về các bảo đảm an ninh cho Ukraine, bao gồm cả sáng kiến “liên minh tự nguyện” nhằm triển khai một phái bộ giám sát tại Ukraine trong tương lai.
Các ngoại trưởng của EU cũng sẽ xem xét việc chuẩn bị cho gói trừng phạt thứ 17 của khối này đối với Liên bang Nga.
Quan chức này cho biết: “Liên minh châu Âu ủng hộ việc tiếp tục gây áp lực lên Liên bang Nga, do đó gói trừng phạt thứ 17 và các biện pháp gây sức ép khác sẽ là một phần của cuộc thảo luận trong cuộc họp Hội đồng Đối ngoại”.
Theo báo The Kyiv Independent ngày 14-4, chương trình nghị sự của cuộc họp cũng bao gồm tiến trình đàm phán gia nhập EU của Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh Hungary tiếp tục chặn việc mở các cuộc đàm phán theo nhóm liên quan.
Các bộ trưởng sẽ xem xét đề xuất của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Kaja Kallas về việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm một sáng kiến nhằm cung cấp hai triệu quả đạn pháo với trị giá 5 tỷ euro.
Quan chức này nhận định: “Tôi cho rằng vào ngày thứ hai (14-4), chúng ta sẽ thấy mức cam kết trong vấn đề này được mở rộng ra sao”.
Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về sáng kiến “liên minh tự nguyện”, do Pháp và Vương quốc Anh dẫn đầu, nhằm triển khai một phái bộ giám sát tại Ukraine sau khi có lệnh ngừng bắn trong tương lai.
Theo quan chức cấp cao của EU, phái bộ này sẽ có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ và đảm bảo các cam kết an ninh dành cho Ukraine, nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài và công bằng cho quốc gia này.
Liên quan tới “liên minh tự nguyện”, đài RT của Liên bang Nga dẫn tuyên bố của nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu, bà Kaja Kallas cho biết hiện tại không có sự đồng thuận trong “liên minh tự nguyện” – một nhóm các quốc gia Tây Âu sẵn sàng ủng hộ Ukraine trong xung đột quân sự – liên quan đến khả năng triển khai chung binh sĩ đến Ukraine.
Phát biểu với báo giới hôm 11-4, theo báo The Telegraph, bà Kallas – Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh – nói rằng “các quốc gia thành viên có quan điểm khác nhau và các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp tục”.
Khi bị hỏi liệu cuộc họp của nhóm tại Brussels vào thứ năm có đem lại sự rõ ràng nào cho kế hoạch của liên minh hay không, bà Kallas trả lời là không.
Trái ngược với bình luận của bà Kallas, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey lại nói tại cuộc họp rằng “kế hoạch của chúng tôi là thực tế và có chiều sâu. Các kế hoạch của chúng tôi đã được phát triển kỹ lưỡng”.
Trong khi đó, hãng tin AFP dẫn lời các quan chức châu Âu giấu tên cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có sáu quốc gia – bao gồm Anh, Pháp và ba nước Baltic là Estonia, Latvia và Litva (Lithuania) – cam kết đóng góp binh sĩ. Quốc gia thứ sáu chưa được nêu tên.
Các thành viên tiềm năng khác của liên minh đã công khai bày tỏ lo ngại về việc triển khai như vậy và từ chối cam kết ở thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans cho rằng nhóm này cần có sự tham gia của Mỹ – một kịch bản mà Washington đã bác bỏ từ trước.
“Câu hỏi là: Nhiệm vụ này có sứ mệnh gì? Chúng ta sẽ làm gì trong các kịch bản khác nhau, ví dụ như nếu xảy ra leo thang với Liên bang Nga?”, ông Brekelmans đặt câu hỏi.
“Việc có sự rõ ràng về nội dung nhiệm vụ và cách hành động là điều cần thiết”, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cũng phát biểu tương tự.
Vào cuối tháng trước, Thủ tướng Italia, bà Giorgia Meloni đã loại trừ khả năng Rome điều binh sĩ tham gia bất kỳ lực lượng nào được triển khai tới Ukraine.
Mátxcơva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không được đưa quân vào Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt phản đối sự hiện diện của binh sĩ từ các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại nước này.
Tháng trước, cựu Tổng thống Liên bang Nga, người đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Dmitry Medvedev, tuyên bố rằng một động thái như vậy sẽ đồng nghĩa với chiến tranh giữa NATO và Mátxcơva.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.