Theo dõi Báo Hànộimới trên

EU chính thức áp giá trần với dầu của Nga: “Nước cờ” nhiều rủi ro

Hoàng Linh| 06/12/2022 07:18

(HNM) - Việc áp giá trần đối với dầu của Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 5-12, sau khi Ủy ban châu Âu (EC) xác nhận các nước Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản. Giới quan sát cho rằng, đây là “nước cờ” nhiều rủi ro, dẫn tới những hệ lụy có thể xảy ra với các nền kinh tế và đời sống người dân toàn cầu.

Một số ước tính cho biết, Nga thu được 71 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ cho EU kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo EC, mức giá trần áp dụng đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga là 60 USD/thùng hoặc thấp hơn giá thị trường 5%, cũng là mức đã được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia thông qua trước đó ít ngày. Các nước đồng thuận sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ vận chuyển qua đường biển được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần. Mức giá này sẽ được xem xét hai tháng một lần, với lần xem xét đầu tiên diễn ra vào giữa tháng 1-2023.

Tương tự như G7, cơ chế giá trần của EU được kỳ vọng góp phần hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Mátxcơva, khiến Nga suy yếu trong cuộc xung đột ở Ukraine nhưng vẫn bảo đảm được dòng chảy dầu Nga trên thị trường toàn cầu, qua đó ngăn chặn cú sốc đối với giá dầu. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, giới hạn mới chủ yếu mang hiệu ứng răn đe, bởi trên thực tế từ ngày 5-12, các nước EU cũng dừng mua dầu thô xuất khẩu của Nga qua đường biển - một phần trong các biện pháp trừng phạt của khối, trong khi vẫn luôn canh cánh mong muốn bảo vệ nền công nghiệp. Thậm chí, Hungary, Slovakia và Czech còn tạm thời miễn áp dụng lệnh cấm, với lý do không có nguồn cung thay thế cho dầu Nga.

Mức giá trần 60 USD/thùng cũng được đánh giá là chưa tạo ra tác động đủ lớn tới nguồn thu của Nga, bởi dầu của Nga hiện được giao dịch ở mức 64 USD/thùng, chỉ cao hơn 4 USD so với giá trần. Thậm chí, nhiều khách hàng hiện mua giá chiết khấu chỉ hơn 30 USD/thùng.

Về phần mình, Nga tuy thông qua ngân sách giai đoạn 2022-2025 từ cuối tháng 11 với giả định giá dầu sẽ giảm xuống còn 65 USD/thùng trong năm 2025, nhưng điều này không quá ảnh hưởng. Bởi lẽ, Điện Kremlin dự kiến và cũng đã nhiều lần cảnh báo sẽ không bán dầu cho những nước áp dụng mức giá trần nói trên. Nói cách khác, những tác động nếu có của việc áp giá trần lần này chủ yếu đến từ các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các vi phạm, chứ không phải từ trần giá.

Trong khi đó, nhu cầu của thế giới đối với dầu Nga vẫn lớn, nhất là khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) trong cuộc họp ngày 4-12 tiếp tục duy trì mức sản lượng đã cắt giảm. Trước đó, từ tháng 11-2022, OPEC+ viện lý do triển vọng kinh tế suy giảm và giá dầu giảm kể từ tháng 10, đã giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày, dự kiến sẽ kéo dài hết năm 2023. Về phần mình, bản thân EC hiện chưa có cách nào để thay thế nguồn năng lượng từ Nga ít nhất trong hai năm. Phản ứng về hành động của EU, Nga khẳng định sẽ tiếp tục tìm được khách hàng mua dầu và cho rằng việc các chính phủ phương Tây áp giá trần là động thái "nguy hiểm".

Như thế, có thể thấy việc đề ra mức giá trần trên chủ yếu mang yếu tố răn đe. Châu Âu muốn thể hiện hành động và lựa chọn duy nhất lúc này là đánh vào xuất khẩu dầu khí của Nga thông qua cơ chế giới hạn giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh không tạo ra nhiều sức ép, động thái mới này bị nhiều ý kiến chỉ trích rằng đã “đi ngược lại những nguyên tắc thị trường tự do”, mâu thuẫn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tiềm ẩn nguy cơ gây xáo trộn đối với thị trường năng lượng thế giới.

Dù thế nào, trước thực tế thị trường dầu mỏ toàn cầu ẩn chứa nhiều biến động khó lường, giờ là lúc các quốc gia nên chờ xem điều gì sẽ xảy ra kể từ ngày 5-12, trước khi có bước đi ứng phó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EU chính thức áp giá trần với dầu của Nga: “Nước cờ” nhiều rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.