Anh, Pháp, Đức hôm 29-4 khẳng định sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và các cường quốc năm 2015 trong bối cảnh Mỹ dọa hủy bỏ.
Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: financialtribune.com. |
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng cho biết, thỏa thuận hạt nhân có thể bổ sung thêm một số yếu tố, nhằm xoa dịu lo ngại của Mỹ đối với các vấn đề liên quan đến Iran.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, trong cuộc điện đàm 3 nhà lãnh đạo nhất trí rằng Thỏa thuận hạt nhân Iran là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong một nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 29-4 cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, nhất trí hợp tác trong những tuần sắp tới để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Đây có thể là lập trường rõ ràng của các nước Châu Âu trong bối cảnh gần tới thời hạn mà Tổng thống Mỹ đưa ra quyết định về khả năng áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế của nước này đối với Iran.
Phát biểu khi đang ở thăm các quốc gia Trung Đông hôm 29-4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa khẳng định lập trường của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran: “Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Donald Trump đã có tuyên bố khá rõ ràng. Thỏa thuận này không hoàn thiện. Tổng thống đã yêu cầu sửa chữa lại và nếu chúng tôi không sửa chữa được, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận”.
Tân Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ lo ngại những ảnh hưởng của Iran trong khu vực, đồng thời gọi Iran là kẻ tài trợ lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới - một dấu hiệu cho thấy Mỹ có ý định rút khỏi thỏa thuận này.
Mặc dù vậy, vẫn có những cơ hội để các bên có thể duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran với sự tham gia của Mỹ. Khẳng định lập trường cứng rắn với Iran nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn để ngỏ cơ hội thỏa hiệp với các đối tác Châu Âu, với khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Anh, Pháp, Đức để sửa chữa thỏa thuận này.
Cố vấn an ninh quốc gia mới của Mỹ John Bolton cũng cho biết, Tổng thống Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định liệu tiếp tục hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Khẳng định duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng các nước Châu Âu cũng đang tìm cách thỏa hiệp với Mỹ.
Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức cho rằng, có thể bổ sung những điều chưa có trong thỏa thuận hạt nhân hiện nay như chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động hạt nhân sau năm 2025 cũng như vai trò của Iran trong các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông. Đây cũng là những lo ngại chính mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra gần đây với Iran.
Tuy nhiên, kể cả khi Mỹ và các nước Châu Âu đạt được nhất trí về việc sửa đổi thỏa thuận hạt nhân hiện nay thì điều quan trọng là liệu Iran có chấp nhận một thỏa thuận mới được bổ sung hay không.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 29-4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng tuyên bố rằng, Thỏa thuận hạt nhân Iran là không thể đàm phán. Iran trước đó cũng cảnh báo sẽ tái khởi động các chương trình hạt nhân nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận và cho rằng Tổng thống Donald Trump không đủ trình độ để giải quyết một Hiệp ước quốc tế phức tạp như Thỏa thuận hạt nhân Iran.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.