(HNM) - Dự án đập thủy điện
Ngay khi Addis Ababa bắt đầu tiến hành chuyển hướng dòng chảy của sông Nile Xanh, một trong hai nhánh chính của sông Nile, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã triệu Đại sứ Ethiopia đến để bày tỏ sự phản đối. Nhiều chính khách Ai Cập chỉ trích động thái của Ethiopia là "hành động gây chiến" và kêu gọi Cairo có biện pháp đáp trả cứng rắn để bảo vệ lợi ích từ nguồn nước quý giá này.
Dự án gây tranh cãi được khởi công vào tháng 4-2011 tại khu vực Benishangul-Gumuz, tây bắc Ethiopia, có tổng vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ USD và có công suất lên đến 6.000 MW. Theo kế hoạch, giai đoạn đầu dự án sẽ hoàn tất trong 3 năm tới. Trong khi Chính phủ Ethiopia coi dự án là một công trình vĩ đại thì Sudan và Ai Cập lại cho rằng, việc xây dựng các đập thủy điện của Ethiopia sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước mà hai quốc gia này được khai thác từ sông Nile. Hiện có hai nhóm nước đang tranh cãi về quyền khai thác nguồn nước sông Nile. Nhóm thứ nhất là các nước hạ lưu sông Nile gồm Ai Cập và Sudan; nhóm còn lại là các nước ở thượng lưu gồm Ethiopia, Eritrea, Uganda, Congo, Burundi, Tanzania, Nam Sudan, Rwanda và Kenya.
Mâu thuẫn bắt nguồn từ việc Cairo cho rằng, Ai Cập có quyền lợi đối với nguồn nước sông Nile. Theo một thỏa thuận ký kết với Anh năm 1929, Ai Cập có quyền phủ quyết bất kỳ dự án nào tại các nước thượng nguồn ảnh hưởng đến lưu lượng nước sông Nile chảy qua lãnh thổ nước này. Năm 1959, Ai Cập và Sudan ký một thỏa thuận cho phép Cairo khai thác 66% tổng lưu lượng nước sông Nile mỗi năm, trong khi Sudan được khai thác 22% (tỷ lệ 12% còn lại thất thoát do nước bay hơi). Tuy nhiên, các nước thượng nguồn cho rằng văn bản chỉ mang tính ràng buộc đối với 3 quốc gia thượng nguồn vốn là thuộc địa của Anh gồm Tanzania, Kenya và Rwanda. Do đó, họ không phải là một bên tham gia ký kết thỏa thuận trên nên sẽ không thừa nhận tính chất hợp pháp của văn bản này. Tháng 5-2010, Ethiopia soạn thảo một thỏa thuận mới, theo đó cho phép các nước khác thuộc lưu vực sông Nile được thực hiện các dự án khai thác nguồn nước con sông dài nhất thế giới mà không cần sự chấp thuận của Ai Cập để mở đường cho việc tiến hành dự án "Đại phục hưng Ethiopia". Điều này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ Ai Cập và Sudan.
Vấn đề đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. Các cuộc gặp của ông với nhiều quan chức an ninh cấp cao đã đề cập đến những lựa chọn của Ai Cập để đối phó với dự này cũng như những ảnh hưởng tiềm tàng của đập thủy điện đối với quốc gia Bắc Phi. Cairo nêu rõ quan điểm luôn ủng hộ các dự án phát triển nếu chúng không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Ai Cập và sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia Châu Phi về vấn đề chia sẻ nguồn nước. Tuy nhiên, nước này cũng không cho phép bất cứ ai đe dọa nguồn nước của Ai Cập. Cairo yêu cầu Ethiopia cam kết một thời gian biểu cụ thể cung cấp các thông tin bổ sung về tác động của con đập, ký kết một văn bản có giá trị quốc tế trong đó cam kết rằng dự án đập thủy điện của nước này sẽ không gây tác hại tới Ai Cập và Sudan, đồng thời cho phép một ủy ban kỹ thuật giám sát trong suốt quá trình triển khai dự án.
Mặc dù cho đến thời điểm này, Ai Cập khẳng định loại trừ khả năng đáp trả bằng quân sự hoặc những biện pháp cứng rắn. Thế nhưng, cũng có quá nhiều lý do để lo ngại những mâu thuẫn hiện tại rất có thể sẽ dẫn đến những căng thẳng chính trị đáng tiếc tại khu vực khi các bên liên quan không dễ từ bỏ những lợi ích chiến lược của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.