Xưa, 36 phố phường, có thể coi như 36 chợ. Nay, góc phố ngõ hẻm nào cũng có thể là chợ, chưa kể đến siêu thị - sản phẩm của sự hiện đại. Bước ra khỏi nhà là chợ, to nhỏ, cũ mới, mỗi chợ một vẻ. Chợ phiên còn mang một chút hồn xưa cũ, siêu thị hiện đại, sang trọng, hào nhoáng, chợ
Một góc chợ cóc
Bước ra khỏi nhà là chợ, to nhỏ, cũ mới, mỗichợ một vẻ. Chợ phiên còn mang một chút hồn xưa cũ,siêu thị hiện đại, sang trọng, hào nhoáng, chợ "cóc" chợ tạm xô bồ, nhếch nhác...
Chợ phiên - góc quê trong phố
Ngày nay, ở Hà Nội chỉ còn 2 cái chợ vẫn giữ lệ họp theo phiên và còn mang dáng dấp xưa cũ, đó là chợ Mơ (ở quận Hai Bà Trưng) họp vào ngày mồng 2, mồng 7, chợ Bưởi (quận Cầu Giấy) họp vào ngày mồng 4 và mồng 9 âm lịch. Bà tôi (năm nay đã ngoài 80) nói, bây giờ bước chân ra khỏi nhà là có thể mua được bất cứ thứ gì người ta muốn nhưng thời của bà, có nhiều thứ mà khi cần đến, người ta phải chờ tới phiên chợ. Rồi bà chợt xa xăm: "Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/ Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng".
Phiên chợ Bưởi, chợ Mơ bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Nhiều làng nghề đã mai một đi, nhiều mặt hàng truyền thống xưa được chính những người làm ra mang đến chợ bán thì nay người bán phải đi cất hàng công nghiệp tận... chợ Đồng Xuân hoặc nhập từ... Trung Quốc về. Thế nhưng riêng mặt hàng cây giống, con giống thì bao nhiêu năm nay vẫn thuỷ chung với chợ. Người mua có thể tìm được ở đây đủ các giống, loại cây từ cây hoa, cây cảnh tới cây ăn quả, cây bóng mát... Con giống được bày la liệt trong những chiếc sọt, lồng, rọ, thúng, mủng, bao bì và cả... trên mặt đất. Lợn, gà, chó, mèo, chim, và cả loài lặng lẽ như cá cảnh... mỗi loài mỗi thanh, mỗi giống mỗi vẻ khiến cho chợ phiên chợ Bưởi chẳng giống bất cứ một cái chợ nào ở Hà Nội.
Là chợ đầu ô (ô Cầu Giấy), chợ Bưởi xưa là nơi tập trung buôn bán hàng hoá của rất nhiều làng nghề truyền thống xung quanh như Yên Thái, Ngũ Xã, Đông Xã... với những mặt hàng như giấy, lĩnh, nông cụ... cho đến cây, con giống, những sọt rau, mớ hoa còn đẫm sương mai, những mớ cá vừa đánh dưới sông Tô, sông Nhuệ lên còn giãy đành đạch, thoảng mùi rong rêu. Vào phiên ngày 19 hoặc độ giáp Tết, ở đây người ta còn buôn bán cả mặt hàng đại gia súc như trâu, bò, ngựa... nhưng giờ thì không còn nữa.
Tôi để ý một người phụ nữ chừng ngoài 60 tuổi, răng nhuộm đen, tóc vấn cao, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Bà ôm một bó lưới to, phải đến vài chục cân, tay kia lỉnh kỉnh những dây cước, kim đan lưới... Bà cho biết, bà tên Đức, quê ở Hà Tĩnh ra ở nhà con trai để trị bệnh khớp. Những ngày ở đây rảnh rỗi, bà mua lưới về tranh thủ đan giã (một dụng cụ dùng để thu hoạch tôm) chuẩn bị cho mùa thu hoạch tôm sắp tới. "Cái này ở quê tui đặt cũng phải mất 600-800 nghìn đồng mà lưới không được đẹp thế này, khâu không được chắc như mình tự làm lấy. Ở đây cái gì cũng sẵn, giá lại rẻ nên tôi tranh thủ mua thêm mỗi thứ một ít" - nói rồi bà chìa cho tôi xem nào kim khâu lưới, kim đan lưới, chỉ dù, sợi cước... Vuốt quết trầu trên mép, bà cười hóm: "Hay cô nhỉ, chợ ở thành phố mà bán cả những thứ này. Chúng tôi ở quê dùng nhiều chứ ở đây thì mấy ai mua, cô nhỉ!".
Chợ Mơ nay cũng sầm uất với hàng ngàn thứ hàng hoá, không gian cho những mặt hàng truyền thống ngày phiên cũng bị thu hẹp đi nhiều. Ngày phiên, cây hoa, cây cảnh, các loại, hạt giống, cây giống rau, con giống vẫn khắp nơi đổ về.
Ngày nay việc đi chợ phiên vẫn được nhiều người Hà Nội coi như cái thú tao nhã. Ta có thể bắt gặp những người đi cất hàng về bán lẻ, nhiều hơn cả vẫn là những cán bộ hưu trí và những thanh niên thích tầm cây, tầm cá, chọn chim, những phụ nữ đứng tuổi đi mua vài ngàn hạt giống hay vài bầu cây về trồng trong mảnh vườn bé tẹo của nhà. Cũng có người chỉ thích đi dạo, ghé chỗ này, ngắm chỗ kia...
Thế mới có người nói rằng chợ phiên ngày nay không còn cái vẻ nửa quê nửa tỉnh xưa mà đã là chợ chơi, chợ phục vụ dân chơi cây cảnh, chim, cá cảnh là nhiều.
Một góc của chợ "cóc"
Chợ cóc ở Nghĩa Tân chiếm trọn cả một đoạn dài của phố Nghĩa Tân rồi phình cả ra đường Tô Hiệu. Có cảm giác như đây là thế giới chỉ giành riêng cho những người đi bộ và xe đạp không phải chỉ vì lối đi quá chật, xe máy không thể lách được vào mà còn bởi sự bình dân của những món hàng lẫn kẻ mua người bán. Họ không vội vã. Họ có rất nhiều thời gian để chọn lựa và trả giá. Họ phải cân nhắc sao cho có thể mua được những thứ phù hợp với khẩu vị lẫn túi tiền của mình.
Chợ cóc ở khu tập thể Thanh Xuân, trải dài trên đường Nguyễn Quí Đức tấp nập cả sáng lẫn chiều. Chỉ mất mấy bước đi bộ từ những toà nhà của khu tập thể là người ta có thể sắm đủ thứ cho bữa cơm gia đình. Theo bước chân của một cụ ông, tôi hình dung ra một mâm cơm chiều đạm bạc chỉ có rau muống luộc, trứng tráng và mấy quả cà dầm của hai ông bà đã sắp bước sang tuổi “cổ lai hy”. Bắt chuyện một người phụ nữ tay vẫn còn cầm chiếc cặp, có lẽ là giáo viên, đang tạt vào chợ sau buổi tan trường. Chị cho biết : “Mình chỉ ăn đơn giản, có những món cao sang gì đâu mà phải đi chợ xa cho đắt đỏ lại mất thời giờ".
Chợ cóc nằm sâu trong đường Khương Thượng ngoằn ngoèo, nơi được mệnh danh là “xóm nước đen”, có sông Lừ nước không chịu chảy vì đặc quánh đã trở thành “trụ sở” của xóm nghèo, một xóm mà 2/3 dân số làm nghề xe ôm và khuân vác. Bà Âu nhẫn nại bên gánh quà sáng. Bà Lân bán đậu phụ, cà dầm là địa chỉ quen thuộc để những ai “đứt bữa” có thể trông cậy một vài ngày. Ông Anh bán hàng tạp hoá là chủ nợ có một không hai của cánh sinh viên vào trọ học. Không có cảnh xô đẩy, chen lấn. Không có những lời cánh khoé, điêu toa. ở đây, người bán và người mua sống với nhau rất thuận hoà và nhân ái.
Những cuộc xâm lăng vỉa hè, góc phố
“Chạy đi!” đã trở thành phản xạ có điều kiện của lực lượng bán hàng rong trên phố, đội quân được mệnh danh là “chợ di động”, vừa phải giao tiếp với khách hàng vừa phải ứng phó với các lực lượng an ninh.
Nào là gồng gánh, xe thồ, quang sọt. Đủ cả già trẻ, gái trai. Tập hợp từ các địa phương sát nách, sau lưng thậm chí cách xa Hà Nội hàng trăm cây số. Nếu như ai đó cho rằng Hà Nội đang từng bước bị nông thôn hoá thì có thể xem đội quân xe thồ là những “dũng sĩ” đi đầu trong cuộc “xâm lăng” âm thầm và nhạy cảm này. Thoắt ẩn, thoắt hiện. Họ xâm thực không gian của phố phường. Họ mang đến cho người dân Thủ đô cái gọi là sự giản tiện của triết lý “có tiền là có hàng” dù nơi diễn ra sự thông thương là ngõ ngách ngoằn nghèo hay giữa mênh mông đường phố.
Anh cán bộ đi làm về không cần tạt vào chợ, chỉ cần dừng xe ở một vỉa hè là có thể mang về những quả cam ngon. Chị công nhân tan ca, đỗ xe xuống đường là mua ngay được bó rau, mớ tôm hay mẻ cá. Cậu sinh viên đi học sớm có thể lót dạ bằng một ổ bánh mỳ ngay bên lề đường... Dẫu cho đôi khi những phút dừng xe vô thức, vô tư đến vô tâm của họ có làm kém đi chút mĩ quan của phố phường, ùn tắc giao thông, thậm chí gây tai nạn bất ngờ.
Sân chơi bất đắc dĩ và sự thèm khát không gian
Chợ Hợp Nhất ở Trung Hoà nhìn từ xa rất bề thế và khang trang nhưng vào đến bên trong thì tuềnh toàng, trống hoác bởi những ô ngăn trống không. Buổi sáng, buổi họp chính của chợ chỉ có lèo tèo mấy hàng quần áo, hàng bán đồ ăn sáng, hàng thịt, hàng rau. Không khí hiu hắt. Phòng quản lý chợ 9h sáng vẫn còn im ỉm khoá. Ở một cửa hàng bán đồ gia dụng, người bán hàng ngồi trên ghế thi thoảng lại gật gù. Bà cụ bán nước ngồi ve vẫy chiếc quạt nan xua ruồi, không biết vì buồn ngủ hay vì ngán ngẩm mà lâu lâu lại ngáp dài một cái.
Đi sâu vào phía cuối chợ, sự trống trải và buồn tẻ như tăng dần lên theo cấp số nhân. Những ki ốt được xây dựng kiên cố bằng xi măng cốt thép, rộng rãi và thoáng đãng cứ trơ trọi một cách vô cảm, im lìm. Những ô trống ( trong thiết kế có lẽ giành cho các sạp vải, các hàng bán đồ tạp hoá ) đã trở thành nơi chứa lông gà, túi bóng và vô vàn các loại rác thải khác. Chưa cần đợi gió lên cũng đã nồng mùi.
Trên nền xi măng vẫn còn trơn bóng của vài ba kiốt giữa chợ, mấy đứa trẻ ngồi vắt vẻo trên hai chiếc võng dù. Tùng, một học sinh lớp 6, đung đưa trên vỏng nói: “Sáng nào em cũng ra đây chơi, mẹ em bán cá ở đằng kia, lúc nào có việc chỉ cần ới một tiếng là em có mặt”.
Chợ Cầu Mới như một cái kem ốc quế mà phần vỏ quá ngắn nên kem tràn cả ra ngoài. Các khoanh hàng trong chợ thiết kế nhỏ bé và chật chội nên hàng cứ tràn hết qua nhau. Thiếu không gian. Thiếu không khí. Nhiều mùi vị hỗn tạp. Bước vào chợ chưa đầy 15 phút đã thấy ngột ngạt, khó thở. Như thèm khát không gian, các sạp hàng tràn hết cả ra ngoài tìm khí trời và ánh sáng.
Chỉ chực nhá nhem là làn đường dành cho xe thô sơ khu vực cầu Mới thoắt biến thành một cái chợ với đủ thứ hàng hoá: hoa tươi, rau quả, giày dép, quần áo... tấp nập người mua kẻ bán.
Thời của Metro
Từ khi Metro "nhảy" vào Việt Nam thì nhắc đến siêu thị người ta không thể không nhắc đến nó mặc dù hệ thống siêu thị ở HN hiện nay đã trở nên dày đặc. Vào những ngày thứ 7, Chủ nhật hay ngày lễ, Metro Thăng Long đông nghịt khách. Ô tô, xe máy chật kín cả bãi xe rộng mênh mông bên đường Thăng Long. Vẫn có nhiều người mượn thẻ mua hàng của bạn bè "đi cho biết Metro", nhưng phần lớn đến đây là để mua sắm thực thụ. Chị Mai, ở đường Giải Phóng cho biết, từ nhà chị đến đây khá xa nhưng thỉnh thoảng chị lại rủ chồng hoặc bạn bè đi mua sắm, bởi ở đây có không khí mua bán rất sôi động, lâu không đi thấy nhớ, mua ở đây cũng thuận tiện, giá lại rẻ hơn ở các siêu thị khác trong thành phố bởi hàng hoá được đóng gói theo quy cách riêng (bán buôn) nên có những thứ đi mua một lần là dùng cả năm.
"Chợ" này hàng gì cũng có. Nhưng lý do trước tiên để nó hút người Hà Nội là vì rẻ và sạch. Và hiện đại. Người từng sống nước ngoài nhiều hoặc quen với "không khí" công nghiệp thích đi Metro vì "trông nơi đây giống siêu thị Tây" (lời của một đồng nghiệp). Hàng hoá xếp có hàng, có lối một cách nghệ thuật.Bạn tôi dí dỏm: "Ôi dào, thì chẳng qua cũng chỉ là một cái chợ... thôi mà, chợ cao cấp giành cho người giàu!". Ngẫm cũng có lý, cao cấp thì chắc nhưng không chỉ là giành cho người giàu mà cả một lượng lớn người có thu nhập trung bình cũng có sở thích mua sắm ở siêu thị.
Chị Bích Thuỷ, một nhân viên văn phòng ở đường Giảng Võ nói: Tôi rất bận nên mỗi tuần chỉ đi chợ được một lần, mua thức ăn về để trong tủ lạnh, lúc nào cần là có ngay, kể cả những ngày có công việc đột xuất phải về nhà muộn. Vì thế nên tôi thường mua hàng ở siêu thị, nhiều thứ đã được sơ chế và rất dễ bảo quản.
Tôi đưa ý kiến của anh bạn trên nói với một đồng nghiệp "chuyên siêu thị", chị nói: "Giàu cái nỗi gì, chủ yếu là giải quyết vấn đề thời gian thôi. Cô xem, cứ cho là không giàu nhưng giờ làm việc ở cơ quan là 7h30, đến 17hh30 mới xong, trong khi chợ "cóc" gần nhà 6h30 mới có lác đác hàng. Chiều đi làm về thức ăn bán ngoài chợ có còn thì cũng đã ôi ra. Với lại, bây giờ người ta cũng đang chuộng sạch, Trong đó nghêu sò ốc hến gì đủ cả, muốn ăn cũng không ngại phải chuẩn bị lâu".
Xem ra mỗi người đều có cái lý riêng, loại chợ này không chỉ là chốn riêng tây của người giàu mà trước hết là một trong những loại hình dịch vụ hiện đại, biều hiện của đời sống văn minh, công nghiệp. Nó có thể đáp ứng nhu cầu người dân một cách nhanh chóng thuận tiện và là "khắc tinh" của những chợ cóc, chợ tạm nhếch nhác bên lề đường hè phố. Dường như chỉ còn chờ một cuộc cách mạng về giá cả.
Chợ mỗi thời mỗi khác. Bởi người mua, người bán cũng mỗi thời mỗi khác. Cái cũ chưa kịp quên, kịp bỏ, cái mới lại đến. Người mua, kẻ bán có quyền chọn lựa mô hình thích hợp nhất cho mình.
Còn việc bỏ hay thêm loại chợ nào cho khỏi lãng phí đất đai, tiền của, cho đẹp đô thị lại là trách nhiệm của các nhà quản lý.
Theo VNN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.