Ở Bundesliga, Eintracht Frankfurt chỉ là một đội bóng ở tầm trung bình, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây vẫn đôi lần đi - về giữa hạng Nhất và hạng Nhì. Tuy nhiên, “Những chú đại bàng” vẫn là niềm tự hào của thành phố Frankfurt am Main, trung tâm tài chính của nước Đức và là nơi có sân bay nhộn nhịp bậc nhất châu Âu.
Các cầu thủ E.F trên sân tập Mỹ Đình tối qua (11-5). |
Một nốt trầm không xao xuyến
Trước hết, phải lưu ý rằng ở thành phố Frankfurt am Main (tên đầy đủ, nghĩa là Frankfurt bên dòng sông Main, để phân biệt với nhiều địa danh có tên Frankfurt khác ở Đức, như Frankfurt Oder nằm ở biên giới Đức - Ba Lan chẳng hạn) có đến bốn đội bóng đều mang trên mình chữ Frankfurt. Nổi bật nhất là Eintracht Frankfurt, thành lập năm 1899, đang chơi ở Bundesliga và chính là đội bóng sang thi đấu giao hữu tại Việt Nam trong những ngày này. Tiếp đến là FSV Frankfurt, cũng thành lập năm 1899, đang đá ở giải hạng Nhì và may mắn trụ hạng thành công ở mùa giải vừa khép lại khi chỉ xếp thứ tư từ dưới lên. Lâu đời hơn cả là Frankfurter FC Germania, từng là một trong những thành viên chủ chốt tham gia thành lập Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) tại Leipzig năm 1900. Cái tên còn lại là Rot-Weiss Frankfurt, không mấy danh tiếng và hiện đang chơi tại giải hạng Năm. Ở Đức, người ta vẫn gọi Eintracht Frankfurt là Eintracht (có nghĩa là sự đồng thuận, hòa hợp) nhưng trong bài viết này, để đơn giản và quen thuộc hơn với khán giả Việt Nam, người viết gọi tên đội bóng là Frankfurt.
Ở mùa giải 2009-2010 vừa qua, Frankfurt đã chơi một cách đầy cố gắng và có lúc thăng hoa nhưng cuối cùng vẫn không thể hoàn thành mục tiêu giành vé dự Europa League vì đuối sức ở giai đoạn cuối. Trước khi lên đường sang Việt Nam đá giao hữu, Frankfurt đã khép lại mùa giải bằng trận thua 1-3 trên sân của đội bóng cựu vô địch Wolfsburg và đành chấp nhận xếp ở vị trí thứ 10 chung cuộc. Thành tích ấy không khả quan nhưng cũng chẳng quá thất vọng với năng lực của Frankfurt trong những năm gần đây, dù huấn luyện viên danh tiếng Michael Skibbe đang nỗ lực vực dậy đội bóng từng đoạt Cúp UEFA và lọt vào trận chung kết Cúp C1 này. Đối với khán giả bên ngoài nước Đức, tái tên Frankfurt không để lại quá nhiều ấn tượng. Bên cạnh huấn luyện viên Skibbe, Frankfurt còn có các tiền đạo Halil Altintop (người Thổ Nhĩ Kỳ, anh em sinh đôi với Hamit Altintop đang khoác áo Bayern), Ioannis Amanatidis (người Hy Lạp), Martin Fenin (người Czech), tiền vệ Caio (người Brazil) hay thủ môn Oka Nikolov (người Macedonia) được nhiều người biết đến.
Nhưng truyền thống lẫy lừng
Đội bóng có bề dày lịch sử 111 năm này đã từng có những giây phút vinh quang trong quá khứ. Đó là khi họ giành chiến thắng trước đồng hương Gladbach trong trận chung kết Cúp UEFA năm 1980 ở mùa giải mà cả bốn đội bóng Đức (thêm Bayern và Stuttgart) cùng có mặt ở bán kết, hay xa hơn một chút là trận chung kết Cúp C1 năm 1960 mà Frankfurt đã thua Real Madrid 3-7 với cú hat-trick của Alfredo di Stefano và bốn bàn của Ferenc Puskas. Frankfurt vẫn tự hào là đội bóng đã đóng góp quân cho đội tuyển Đức (chính xác hơn là đội tuyển Tây Đức) giành chức vô địch ở cả ba kỳ World Cup 1954 (Alfred Pfaff), 1974 (Juergen Grabowski, Bernd Hoelzenbein) và 1990 (Uwe Bein). Frankfurt cũng là nơi từng chơi bóng của khá nhiều nhà vô địch thế giới khác, như thủ môn Andreas Koepke hay tiền vệ Andreas Moeller. Trước Skibbe, những huấn luyện viên danh tiếng khác từng dẫn dắt Frankfurt có Erich Ribbek, Branko Zebec, Pal Csernai, Klaus Toppmoeller, Jupp Heynckes hay Felix Magath. Sân nhà của Frankfurt, Commerzbank Arena (tên gốc là Waldstadion), với sức chứa 52.000 chỗ từng là nơi tổ chức các trận đấu ở World Cup 2006.
Frankfurt cũng là một trong số 16 đội bóng có mặt từ những ngày đầu khi Bundesliga chính thức ra đời ở mùa giải 1963-1964 (xếp thứ ba chung cuộc). Trụ được suốt hơn 30 năm ròng, đến mùa giải 1995-1996 thì Frankfurt phải xuống hạng lần đầu tiên. Kể từ đó đến nay, họ đã chơi ở giải hạng Nhì tổng cộng ba lần và mới quay trở lại Bundesliga vào mùa 2005-2006. Trong những ngày này, trang chủ của Frankfurt, www.eintracht.de, có đăng tải một bài viết giới thiệu về chuyến du dấu Việt Nam của đội bóng, kèm theo đó là tấm hình của sân vận động Mỹ Đình, nơi họ sẽ thi đấu với đội tuyển quốc gia Việt Nam. Đoàn của Frankfurt sang Việt Nam gồm 30 người, trong đó có 18 cầu thủ và năm phóng viên đi kèm. Danh sách những cầu thủ Frankfurt sang Việt Nam cũng có mặt gần như đầy đủ các vị trí chính thức trong đội hình mà họ vẫn thường thi đấu ở Bundesliga, được bổ sung ba cầu thủ từ đội trẻ, gồm hai hậu vệ và một tiền vệ.
Phía trước của Frankfurt là hai trận giao hữu tại Việt Nam cùng một mùa Hè bận rộn trên thị trường chuyển nhượng. Với huấn luyện viên Skibbe và một kế hoạch đầy tham vọng, Frankfurt hứa hẹn sẽ có tương lai sáng sủa hơn, để “Những chú đại bàng” không còn phải lặng lẽ sải cánh bên dòng Main nữa, mà phải bay cao, bay xa hơn.
Eintracht Frankfurt Thành lập: 1899 Biệt danh: Những chú đại bàng Sân nhà: Commerzbank (52.000 chỗ) Màu áo truyền thống: đỏ - đen Website: www.eintracht.de Chủ tịch: Heribert Bruchhagen HLV: Michael Skibbe Thành tích: Đoạt Cúp UEFA năm 1980, Cúp Intertoto năm 1967, á quân Cúp C1 năm 1960, vô địch Đức năm 1959, vô địch Cúp quốc gia Đức năm 1974, 1975, 1981, 1988 14 cầu thủ cho 1 trận giao hữu Nhiều khả năng, tối nay, các cầu thủ E.F sẽ chỉ có 14 cầu thủ sẵn sàng ra sân, vì dù dự kiến đưa sang Việt Nam tới 18 cầu thủ, nhưng đây là thời điểm cuối mùa giải, nên có một số bị chấn thương, hoặc phải tập trung với các ĐTQG và cả đội tuyển trẻ. Tuy nhiên, đây là trận đấu mang tính giao hữu và là một hoạt động trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức, đồng thời các cầu thủ trong thành phần sang Việt Nam cũng có đẳng cấp rất cao, nên những gì 2 đội hứa hẹn trình diễn cũng sẽ rất đáng chú ý. Được biết, E.F sang Việt Nam là kết quả của sự nỗ lực của bang Hessen, CHLB Đức. VFF chỉ phải đài thọ tiền ăn ở tại Việt Nam. Còn các chi phí khác, hoàn toàn do phía bang Hessen đài thọ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.