Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Keith Alexander cho biết, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden đã mang theo khoảng 200.000 tài liệu mật khi rời Hawaii tới Hồng Kông (Trung Quốc), ngày 20/5/2013.
Giám đốc NSA Keith Alexander tại một phiên chất vấn trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, ngày 2/10/2013. (Ảnh: AP Photo/Evan Vucci) |
Thông tin trên được ông Alexander đưa ra trong bài phát biểu trước Hội đồng các vấn đề đối ngoại của thành phố Baltimore, bang Maryland, ngày 31/10. Cuộn băng ghi âm bài phát biểu này đã được các phương tiện truyền thông Mỹ lưu lại và công bố trước dư luận vào ngày 14/11.
Tờ Fox News (Mỹ) dẫn lời ông Alexander cho biết Edward Snowden có thể đã tiết lộ từ khoảng 50.000 – 200.000 tài liệu cho giới truyền thông. Ông Alexander cho rằng Snowden đã tiết lộ một số lượng tài liệu mật khổng lồ với các phóng viên và mọi việc sẽ không dừng ở mức độ này. Ông khuyến cáo sự việc này gây tổn hại nghiêm trọng đối với NSA và nước Mỹ và hiện các nhà chức trách Mỹ chưa biết làm cách nào để ngăn chặn. Cụ thể, Giám đốc NSA cho rằng, những thông tin do Edward Snowden tiết lộ sẽ làm gia tăng nguy cơ nước Mỹ phải đối mặt với một vụ tấn công khủng bố.
Bên cạnh đó, ông Alexander cũng đề cập tới một bản báo cáo gây tranh cãi về việc NSA đã tiếp cận các cuộc gọi điện thoại của 70 triệu công dân Pháp trong khoảng thời gian 30 ngày (từ 10/12/2012 - 8/1/2013). Nhà lãnh đạo NSA cho biết, đây là các hoạt động nhằm thu thập dữ liệu nhằm hỗ trợ các hoạt động liên quan tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Alexander nhấn mạnh “không thông tin nào trong số này được thu thập từ Pháp, nhằm vào người Pháp hay công dân từ các nước châu Âu”.
Trong khi đó, hãng Reuters dẫn lời một số quan chức của NSA cho biết, hiện các nhà điều tra đã xác định được các tài liệu mà Edward Snowden đã tiếp cận, tuy nhiên họ vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng những tài liệu nào đã được cựu nhân viên CIA tiết lộ cho các phương tiện truyền thông.
Trước khi sự việc của Snowden bùng nổ, binh sĩ quân đội Mỹ Bradley Manning đã tuồn cho WikiLeaks một số lượng tài liệu cao hơn nhiều so với số tài liệu mà cựu nhân viên CIA mang theo khi rời khỏi Mỹ. Trong đó phải kể tới 400.000 báo cáo của Lầu Năm Góc về cuộc chiến Iraq, 250.000 điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ và hàng chục nghìn tài liệu về các hoạt động của Mỹ tại Afghanistan. Tuy nhiên, trong số các tài liệu mà WikiLeaks có được không có tài liệu nào được phân loại trên mức “Mật”. Trong khi đó, nhiều tài liệu của NSA do Snowden tiết lộ được xếp loại “Tuyệt mật”, thậm chí có sự hạn chế tiếp cận lớn và được đóng dấu “Tình báo đặc biệt”, bao gồm cả các tài liệu kỹ thuật chi tiết về các hoạt động tình báo của Mỹ và các nước đồng minh.
Dù cho tới nay, các nhà chức trách Mỹ vẫn chưa xác minh được số tài liệu cụ thể mà Edward Snowden đã cung cấp cho báo giới song rõ ràng những thông tin động trời về vụ bê bối nghe lén của NSA, sau khi bị phanh phui lần đầu tiên vào tháng 6/2013, đã mang lại nhiều vấn đề lớn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó có việc giải quyết các mối quan hệ đang có dấu hiệu đi xuống giữa Mỹ và các nước đồng minh. Tuy nhiên, vấn đề có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ này và ông Obama sẽ phải đối mặt với những rắc rối nghiêm trọng hơn trong tương lai bởi Edward Snowden – một nhân viên tình báo đang bị Mỹ truy lùng gắt gao mới đây đã từng nói: ”Tất cả những gì tôi có thể tuyên bố bây giờ là chính phủ Mỹ sẽ không thể che đậy vụ bê bối do thám này bằng việc cầm tù hay ám sát tôi. Sự thật đang được phanh phui và không thể bị ngăn cản”.
Ông Matthew Olsen – Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ cho biết, việc Snowden tiết lộ các tài liệu mật là “vô cùng nguy hiểm”. Phát biểu trong một phiên điều trần Quốc hội Mỹ, ngày 14/11, ông Olsen nói: “Không còn nghi ngờ gì về việc những thông tin do thám của Mỹ bị phanh phui đã khiến cho công việc của chúng ta trở nên khó khăn hơn. Chúng ta đã được chứng kiến việc những phần tử khủng bố hay kẻ thù của chúng ta đang nghiên cứu về cách thức mà chúng ta thu thập thông tin tình báo và đang tìm cách thích nghi thông qua việc đưa ra những biện pháp nhằm thay đổi hình thức liên lạc”./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.