(HNMO)- Hiện tại, ngoài vấn nạn sách giả, sách lậu in bằng giấy, các đơn vị xuất bản trong nước hiện nay còn chới với chịu sự tấn công của một loại hình sách lậu mới: sách điện tử lậu (ebook) lậu tràn lan trên các web.
(HNMO)- Hiện tại, ngoài vấn nạn sách giả, sách lậu in bằng giấy, các đơn vị xuất bản trong nước hiện nay còn chới với chịu sự tấn công của một loại hình sách lậu mới: sách điện tử lậu (ebook) lậu tràn lan trên các web.
Tràn lan và công khai…
Khác với việc truy bắt sách giả, sách in lậu tuy khó khăn và mất nhiều thời gian nhưng vẫn bắt được thủ phạm cụ thể cùng các tang chứng, vật chứng rành rành là hàng đống sách giấy ngồn ngộn trong các xưởng in và nhà sách tư nhân, thủ phạm của các trang web ebook lậu lại luôn giấu mặt và thường là một tập thể ảo đang tung hoành trên mạng. Nói tới ebook lậu, không ít đơn vị xuất bản trong nước hiện nay như Trẻ, Kim Đồng, Nhã Nam, Bách Việt, Chibooks, Đông A… đều phải lắc đầu ngao ngán vì phần lớn sách của họ đều bị “luộc” công khai và được tung lên mạng làm thành ebook, phát tán rộng rãi trên hàng chục trang web và diễn đàn như www.e-thuvien.com/forums , www.360-books.com , www.vnthuquan.net , www.ebook4u.vn , www.ebook.edu.vn , www.download.com.vn/ebook , www.vietnamwebsite.net/ebook , www.share-book.com/chia-se-ebook , www.viet-ebook.co.cc , www.loidich.com/library , www.vn-zoom.com/f371 , www.wattpad.com ... Trong đó mỗi trang web hoặc diễn đàn này thường thu hút trung bình 500.000 thành viên, được phép load miễn phí hoặc có bán phí mỗi lượt load cho tất cả ebook được đưa lên. Điều đó đồng nghĩa với việc ngần đó người đã sử dụng trái phép sản phẩm sách của các đơn vị xuất bản trên mà không phải trả tiền hoặc chỉ trả một số tiền rất ít so với giá trị thực của cuốn sách, nhưng đối tượng thu lời lại chính là chủ những trang web này – những tên cướp bịt mặt.
Chỉ cần lướt qua trang e-thuvien.com cũng đủ thấy với 671.508 thành viên (tính tới 14h30 ngày 2.8) và 180.120 lượt bài được các thành viên này tích cực phân công nhau đánh máy lại từ sách thật và post lên trang web một cách “hồn nhiên”, rồi làm thành ebook trái phép, số lượng hàng trăm ngàn đầu sách đủ các thể loại từ trong nước, ngoài nước, sách văn học, sách ngoại ngữ, kinh tế, dạy trẻ, tâm lý… Điều này gây thiệt hại kinh tế rất lớn đối với các đơn vị làm sách, vì chi phí sản xuất một đầu sách trọn gói hiện nay trung bình từ 80.000-100.000 triệu VND (tiền mua bản quyền, tiền dịch, tiền xin giấy phép, biên tập, in ấn, PR truyền thông…) và công đoạn sản xuất 1 cuốn sách mất trung bình 6 tháng (1 tháng tìm kiếm sách, tìm mua bản quyền, làm hợp đồng bản quyền, 3 tháng dịch, 1 tháng biên tập, dàn trang, thiết kế, xin giấy phép, hơn 15 ngày in ấn, quảng bá sách)... nhưng sau khi có sách giấy, việc làm ebook tung lên mạng chỉ mất vẻn vẹn vài ngày. Với việc phát tán rộng rãi các các ebook trên, đơn vị làm sách bị thất thu nặng với số lượng độc giả mua sách giấy bị co hẹp. Chưa kể nguồn thu từ các khoản ebook trên các công cụ đọc sách điện tử hiện đại hiện nay như Ipad, Kindle, đọc trên điện thoại… cũng bị mất trắng.
Tư nhân lẫn nhà nước đều thất thu
Chị Đinh Hương - đại diện truyền thông cho sách Bách Việt cho biết, từ hơn 2 năm trước, 80% sách Bách Việt (chủ yếu là sách văn học Trung Quốc dành cho giới trẻ) đã bị làm ebook trái phép và phát tán trên mạng, chủ yếu trên www.360-books.com , www.vnthuquan.net, www.ebook4u.vn ... Bách Việt đã gửi công văn, email đến các đơn vị chủ quản, các diễn đàn để can thiệp và ngăn chặn nhưng không có kết quả. Đặc biệt Bách Việt từng gửi công văn đề nghị trang www.aulac.vn (trực thuộc công ty Smart Media) đề nghị giải thích về việc sử dụng trái phép cuốn truyện Liệt hỏa như ca ở dạng ebook với mỗi lần thu phí là 2000 đồng. Nhưng Smart Media vẫn làm lơ không phản hồi và vẫn tiếp tục kinh doanh tác phẩm này như cũ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà – PGĐ Công ty Phương Đông cũng đau xót cho biết hầu hết các sách do Phương Đông xuất bản đều bị làm ebook không xin phép và ngang nhiên đưa lên nhiều trang web, đặc biệt nhiều nhất ở www.e-thuvien.com/forums . Chị Nguyễn Quỳnh Trang, đại diện truyền thông cho sách Nhã Nam cũng thừa nhận mặc dầu biết được rất nhiều sách của họ bị làm ebook lậu và phát tán nhưng công ty này cũng đành chịu "bó tay” bởi tính chất khó kiểm soát của các trang web và diễn đàn trên. Đại diện sách Chibooks cũng cho biết hầu hết sách Chibooks đều bị làm ebook lậu, đặc biệt là sách thuộc bộ Percy Jackson và sách của tác giả Rachel Gibson. Hiện tại họ cũng chỉ biết viết mail đề nghị các admin từ các trang sách trên tháo gỡ ebook, nhưng không mấy hiệu quả. Không chỉ có sách của các đơn vị tư nhân chịu trận, mà rất nhiều sách của các NXB nhà nước cũng chịu chung số phận. Lần lượt nhiều nhà NXB như Kim Đồng, Trẻ… công nhận không ít sách của họ bị làm ebook lậu nhưng họ cũng bất lực không giải quyết được.
Nhiều đơn vị xuất bản bị xâm phạm bản quyền trên đang rất tha thiết mong các cơ quan chức năng, công an văn hóa giúp đỡ điều tra và ngăn chặn tất cả các trang web làm ebook lậu, để bảo vệ các sản phẩm văn hóa mà họ mất rất nhiều công sức và tiền bạc mới làm ra được.
Bắt kẻ tội phạm ảo
Việc bắt những kẻ tội phạm ảo này thực chất cũng không khó như nhiều người nghĩ. Chỉ cần các cơ quan chức năng nhà nước, công an văn hóa và đặc biệt là công an an ninh mạng vào trận sẽ lần tìm ra được những kẻ chủ mưu đăng ký mua những tên miền trên, thậm chí qua số IP, sẽ lần được ra nơi đặt host, địa chỉ cụ thể của từng đại bản doanh của chúng, từ đó sẽ hốt được mẻ lưới cụ thể. Nhân danh việc chia sẻ văn hóa đọc từ việc xâm phạm bản quyền và kinh doanh trái phép sản phẩm văn hóa của các đơn vị xuất bản của các trang web làm ebook lậu này là điều không thể tha thứ được với hậu quả rất lớn, gây thiệt hại kinh tế khó thể đong đếm.
Trước mắt rất nhiều đơn vị xuất bản chỉ biết cách tự bảo vệ mình bằng cách: tự email đề nghị các admin gỡ bỏ ebook lậu (dù cách này không mấy hiệu quả), tố cáo lên các cơ quan chức năng, chuẩn bị các dự án tự làm ebook và tự kinh doanh trên website của mình để giảm bớt thiệt hại kinh tế. Phía Chibooks cho biết họ đang soạn thảo công văn tố cáo những trang web đăng tải ebook lậu của họ lên tất cả các cơ quan chức năng, đề nghị công an văn hóa và an ninh mạng can thiệp, cũng như thuê luật sư giải quyết việc “đấu tố” các web trên.
“Việc làm và phát tán ebook lậu chỉ đem lại cái lợi trước mắt nhưng sẽ mất đi cái lợi lâu dài cho cả một dân tộc khi tất cả các đơn vị xuất bản Việt Nam ngưng đầu tư xuất bản những sách hay và mới nhất trên thế giới do họ chán nản vì bị thất thu, hoặc bất lực từ việc không ngăn chặn nổi việc ăn cướp trên mạng, hoặc họ bị phá sản từ những hành động phá hoại lợi ích kinh tế trên, hoặc không được các NXB nước ngoài bán bản quyền khi thấy chính họ không bảo vệ được bản quyền” - đại diện sách Chibooks nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.