Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ðể phát triển bền vững, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng

Lam Ðiền| 17/05/2020 10:29

(HNNN) - Công nghiệp cơ khí là nền tảng có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh mạnh, bền vững của nền kinh tế trong nước để từ đó tham gia sâu rộng và có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và phân phối toàn cầu.

Tuy nhiên, cho đến nay, những gì mà ngành công nghiệp cơ khí làm được còn rất hạn chế so với mục đích, yêu cầu đề ra. Và để phát triển công nghiệp cơ khí theo hướng bền vững, cần sự nỗ lực của cả Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cơ khí. Đó là quan điểm của ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trong cuộc trao đổi với Hà Nội Ngày nay.

- Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không chỉ tăng mạnh về số lượng mà đã từng bước làm chủ công nghệ, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xin ông cho biết những nét chính về bước tiến của ngành công nghiệp cơ khí ở Việt Nam nói chung, ở Hà Nội nói riêng, trong những năm qua.

- Công nghiệp cơ khí, dù ở phạm vi địa phương hay quốc gia, luôn cần nguồn vốn đầu tư nguồn lực lớn. Tuy nhiên, thực tế là chúng ta rất khó tìm nguồn vốn dồi dào và khó “giữ chân” nhân lực trình độ cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất và phát triển lâu dài theo hướng bền vững.

Để nhìn nhận rõ, cần so sánh hai giai đoạn phát triển chính của ngành cơ khí. Trước kia, chúng ta phát triển chủ yếu theo kế hoạch hóa, tập trung, được Nhà nước đầu tư. Về sau, xã hội phát triển, có thêm nhiều doanh nghiệp cơ khí của địa phương, ngành và tư nhân. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, có thêm doanh nghiệp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) vào Việt Nam, đầu tư chủ yếu vào hai mảng là chế tạo, lắp ráp và điều đó gây sức ép ngày càng lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Thị trường ngành cơ khí trong nước ước trị giá hơn 300 tỷ USD, thực sự là một thị trường rất hấp dẫn. Nếu làm tốt thì có thể thu lợi nhuận hàng tỷ, hàng chục tỷ USD. Còn nếu để mất thị trường này thì không chỉ ngành cơ khí nội địa bị bóp nghẹt mà nền kinh tế cũng sẽ bị lệ thuộc.

- Được gọi là “ngành công nghiệp tỷ đô” nhưng thực tế, bước tiến của công nghiệp cơ khí còn quá hạn chế so với kỳ vọng. Theo ông, những điểm mạnh và hạn chế của ngành cơ khí trong nước hiện nay là gì?

- Về những điểm mạnh, hay bước tiến của công nghiệp cơ khí, phải nhìn vào hai mảng đóng góp chính của ngành này. Một là, ngành cơ khí đã tham gia xây dựng có hiệu quả các công trình công nghiệp và đảm đương được vai trò nhà thầu phụ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hai là, ngành cơ khí có một số mảng phát triển mạnh là lắp ráp ô tô, đóng tàu viễn dương, chế tạo thiết bị điện, máy chế biến nông sản... Trình độ, năng lực đội ngũ cơ khí trong nước, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng... cũng được nâng lên rõ rệt. Trong các doanh nghiệp FDI thì phần lớn nhân lực là người Việt Nam, họ đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu cao của doanh nghiệp nước ngoài, tức là có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế ở những công việc mà họ đảm nhiệm.

Còn về hạn chế, thấy rõ nhất là hai điểm. Thứ nhất, ngành cơ khí nước ta đến nay chủ yếu sản xuất những thứ đã và đang làm, đã và đang có; định hướng phát triển sản phẩm trong tương lai chưa rõ, thậm chí chưa có. Thứ hai, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực rất lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng đầu tư trùng lặp, vừa thừa vừa thiếu, hậu quả là gây khó khăn cho nhau, hạn chế sự phát triển của từng doanh nghiệp cũng như cả ngành cơ khí. Cũng có thể nói thêm về một hạn chế nữa, đó là các doanh nghiệp cơ khí của ta nhìn chung còn yếu về vận hành, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Nguyên nhân của tình trạng đó là gì, thưa ông?

- Trước kia, chúng ta có riêng một bộ lo công tác xây dựng và phát triển ngành cơ khí, đó là Bộ Cơ khí và Luyện kim. Về sau, do nhiều lý do, bộ này không còn nữa. Việc sáp nhập nhiều lĩnh vực, trong đó có mảng cơ khí vào Bộ Công Thương đã ảnh hưởng đến công tác quản lý và việc cân đối tài lực cho phát triển công nghiệp cơ khí. Một việc rất quan trọng là đào tạo nhân lực cho công nghiệp cơ khí cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ những thay đổi về thị trường nói riêng và xã hội nói chung. Đào tạo được một kỹ sư hay lao động cơ khí có trình độ, năng lực cao là việc rất khó, nhưng rất nhiều người giỏi nghề đã bị doanh nghiệp FDI thu nạp bởi họ có chế độ đãi ngộ cao hơn doanh nghiệp thuần nội. Biết thế, nhưng rất khó cải thiện tình hình.

- Công nghiệp cơ khí được xác định là nền tảng có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh mạnh, bền vững của nền kinh tế trong nước. Để đạt được yêu cầu đó, cần có bước phát triển đột phá ở những mảng công tác nào?

- Ngành cơ khí đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp vì là ngành trực tiếp thiết kế, chế tạo ra nhiều loại máy móc, thiết bị, dụng cụ, không chỉ từng bước thay sức người mà tiến tới tự động hóa nhằm ngày càng nâng cao năng suất lao động. Để phát triển công nghiệp cơ khí theo hướng bền vững, đạt được mục tiêu đề ra, cần sự nỗ lực của cả Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cơ khí.

Trước hết, cần có chiến lược, chính sách đồng bộ, cả về đất đai dành cho sản xuất, về chính sách thuế, lập hàng rào kỹ thuật, thương mại, bảo hộ thị trường cho các sản phẩm đã được lựa chọn, chú ý phát triển sản phẩm chủ lực... Cần tham khảo chính sách phát triển công nghiệp cơ khí của các nước phát triển để vận dụng phù hợp, quan trọng nhất là phải có chính sách ổn định lâu dài. Phải có giải pháp cụ thể cho việc kiểm soát đầu tư công nghiệp cơ khí ở các địa phương, không để kéo dài tình trạng đầu tư trùng lặp, không hiệu quả. Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để có thể sản xuất sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường, đủ sức thay thế cho hàng nhập khẩu và tham gia xuất khẩu...

Đối với các doanh nghiệp cơ khí, vấn đề quan trọng là phải biết “chọn chỗ”, tức là xác định được sản phẩm chủ lực, và đứng vững trên thị trường bằng cách lựa chọn, đầu tư công nghệ tiên tiến. Ngoài ra còn là thay đổi cung cách quản lý doanh nghiệp theo hướng hiện đại.

- Về việc phát triển công nghiệp cơ khí ở Hà Nội, theo ông, cần chú ý những vấn đề gì để nêu cao vai trò “đầu tàu” như đã từng đặt ra?

- Hà Nội có thuận lợi hơn rất nhiều tỉnh, thành phố do là nơi hội tụ tinh hoa của nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực cơ khí; có Luật Thủ đô giúp định hướng, thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, cần phải nhận diện được những thách thức to lớn đối với công nghiệp cơ khí hiện nay là: Phải tuân thủ quy luật thị trường cạnh tranh; tuân thủ các điều khoản của các hiệp định thương mại; phải có nguồn tài lực mạnh để nhanh chóng ứng dụng công nghệ 4.0 của thế giới và đổi mới cách tiếp cận thị trường.

Để phát triển công nghiệp cơ khí của Hà Nội theo hướng hiện đại, bền vững thì cần phải chú ý đến 4 vấn đề chính. Thứ nhất, khẳng định ý chí phát triển công nghiệp cơ khí của Hà Nội ngang tầm thời đại. Thứ hai, lựa chọn sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của cơ khí Hà Nội; đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ. Thứ ba, có kế hoạch, lộ trình phát triển công nghiệp cơ khí của Hà Nội ít nhất là 5 năm tới; trong đó, vạch rõ các nội dung như phát triển ngành nào, nhóm ngành nào, ở đâu, có lập thành các khu công nghiệp cơ khí hay không... Thứ tư, phát triển công nghiệp phụ trợ vì Hà Nội là nơi có rất nhiều doanh nghiệp FDI.

Nếu tổng hợp được tất cả các vấn đề trên và thực hiện một hệ thống giải pháp khả thi thì chắc chắn công nghiệp cơ khí Hà Nội sẽ phát triển mạnh.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ðể phát triển bền vững, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.