(HNMCT) - Nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại trên toàn quốc, đặc biệt là với Hà Nội - được xếp ở mức “nguy cơ thấp” về dịch Covid-19. Tất cả trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ giao thông ra vào thành phố đã được dỡ bỏ. Các tỉnh lân cận cũng dỡ bỏ các trạm kiểm soát. Hàng không đã được nối lại. Việc đi lại, giao thương vì thế đã thuận lợi, tấp nập hơn nhiều. Nhưng nguy cơ vì thế cũng tăng lên, đòi hỏi mỗi người phải nâng cao ý thức cảnh giác, phòng bệnh.
Đại dịch Covid-19 được cộng đồng quốc tế nhận định vẫn diễn biến khó lường, có thể phát sinh chủng mới và chưa thể kiểm soát hoàn toàn trước năm 2023. Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã xác định rõ phải “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Trong phòng, chống dịch, phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài..., phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn... Đó là chủ trương đúng đắn, phù hợp với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa bảo đảm sức khỏe, sự an toàn cho người dân, vừa bảo đảm ổn định, phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Và trong bối cảnh mới này, việc hình thành, duy trì thực hiện những thói quen, nếp sống mới của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị là vô cùng cần thiết.
Trên thực tế, sau thời gian dài thực hiện các biện pháp mạnh để giãn cách xã hội, thói quen sinh hoạt, học tập, làm việc mới đã được hình thành ở mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Đó là đi chợ theo kế hoạch, đi chợ hộ, hạn chế ra ngoài không cần thiết hay tụ tập vui chơi, ăn uống đông người. Không ít bạn bè, đồng nghiệp của tôi cho biết đã “quên” thói quen hẹn hò ăn sáng, cà phê buổi sáng, một phần do không phải đưa đón con đi học, một phần là e ngại nguy cơ lây nhiễm. Họ lo dù mình đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng nếu vô tình nhiễm bệnh, có thể gây nguy hiểm cho người thân, nhất là con cái chưa đủ tuổi được tiêm vắc xin. Chính vì thế, họ chọn duy trì nếp sống mới đã được hình thành trong thời gian giãn cách xã hội - hạn chế tiếp xúc, đặc biệt là với người lạ, nếu không cần thiết. Một số đội bóng đá 7 người tôi biết cũng chỉ chọn những đội quen thuộc, những người đã tiêm vắc xin để thi đấu giao lưu, thay vì “bắt đối” giao hữu thoải mái với những đội quen biết trên mạng xã hội như trước đó. Các nhà hàng, quán ăn đã được mở cửa trở lại cũng giảm hẳn tiếng “dô, dô” chúc tụng nhau. Rõ ràng, đó là suy nghĩ, là nếp sống mới hết sức tích cực, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay...
Đã gần 1 tháng nay, người dân Thủ đô cũng đã quen với việc quét mã QR mỗi khi bước chân vào bất kỳ cơ sở kinh doanh hay doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nào. Các cửa hàng, siêu thị, chợ, cơ quan, đơn vị đều dán mã QR ở vị trí thuận lợi cho mọi người dễ nhận biết và thực hiện nghiêm túc. Thói quen mới này như thay cho lời chào, cái bắt tay, thăm hỏi ngày nào giúp các cơ quan hữu trách kiểm soát và truy vết, khoanh vùng nguồn bệnh nhanh, chính xác, hiệu quả, tránh gây xáo trộn đời sống xã hội trên diện rộng như trước đây khi phát hiện ca F0. Thế nhưng, không phải cơ sở kinh doanh nào, người dân nào cũng nhớ, thực hiện tốt nếp sống mới đó. Trong các đợt kiểm tra gần đây, các đoàn kiểm tra của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vẫn phát hiện, nhắc nhở và xử phạt một số cơ sở kinh doanh chưa thực hiện nghiêm việc tạo, hướng dẫn, yêu cầu khách hàng quét mã QR...
Những diễn biến mới về tình hình dịch bệnh những ngày vừa qua, nhất là khi trên địa bàn thành phố đã xuất hiện ca bệnh, ổ dịch mới ngay tại cộng đồng, cho thấy việc duy trì, thực hiện nếp sống mới của mỗi cá nhân là rất cần thiết và phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.