Tuy thành phố Hà Nội đứng đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 nhưng vẫn có tới 11/52 chỉ số thành phần thuộc nhóm 20 địa phương đứng cuối.
Để tiếp tục duy trì thứ hạng, Hà Nội phải tiếp tục cải thiện môi trường chính sách, môi trường kinh doanh... để cạnh tranh.
Vẫn còn nhiều điểm yếu
Theo kết quả PII 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, thành phố Hà Nội có 14/52 chỉ số thành phần đứng đầu cả nước, 27/52 chỉ số thành phần ở mức trung bình và 11/52 chỉ số thành phần đứng ở nhóm thấp nhất cần được cải thiện trong thời gian tới.
Hà Nội là địa phương có lợi thế dẫn đầu cả nước trong 3 trụ cột. Trong đó, trụ cột nhân lực: Vốn con người và nghiên cứu & phát triển là các thế mạnh của Hà Nội khi nơi đây tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn của cả nước. Hai trụ cột: Trình độ phát triển của thị trường và sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ cũng có điểm số cao nhất với số lượng lớn các doanh nghiệp, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích. Hà Nội có các điểm mạnh vượt trội, dẫn đầu cả nước, như: Số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên, tín dụng cho khu vực tư nhân hay đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/10.000 dân... Đây là những chỉ số và trụ cột góp phần đưa Hà Nội trở thành địa phương có Chỉ số PII đứng đầu cả nước, đóng góp quan trọng vào Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam.
Tuy nhiên, một số trụ cột và chỉ số thành phần của Hà Nội còn thấp. Cụ thể, các chỉ số: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố); chi phí gia nhập thị trường (59/63); tỷ lệ chi ngân sách địa phương cho khoa học và công nghệ/GRDP (61/63); tính năng động của chính quyền địa phương (53/63); tỷ lệ học sinh phổ thông tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật/tổng học sinh phổ thông (57/63); quản trị môi trường (60/63); chỉ dẫn địa lý đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ/tổng số xã (52/63); tỷ lệ dự án đầu tư đang hoạt động trong các khu công nghiệp/1.000 doanh nghiệp (59/63); số doanh nghiệp khoa học và công nghệ và doanh nghiệp đủ điều kiện là doanh nghiệp khoa học và công nghệ/1.000 doanh nghiệp (48/63); chỉ số sản xuất công nghiệp (45/63); tỷ lệ lao động có việc làm trong nền kinh tế trên tổng dân số (52/63).
Theo Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) - Đơn vị thực hiện PII 2023, cách tính toán dữ liệu PII có những đặc thù. Theo công bố đến hết năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước với 156 doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhưng điểm chỉ số thành phần của Hà Nội chỉ xếp thứ 48/63. Điều này cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên tổng số doanh nghiệp của Hà Nội còn quá thấp, cần tiếp tục cải thiện trong những năm tiếp theo.
Cần khắc phục tồn tại, hạn chế
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thành phố Hà Nội đang hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.
Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành báo cáo Kết quả đánh giá PII 2023 của thành phố Hà Nội, trình UBND thành phố xem xét, đưa ra các giải pháp, phương hướng nhằm cải thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới.
Để tiếp tục duy trì thứ hạng, cải thiện và nâng cao Chỉ số PII 2024 và những năm tiếp theo đồng bộ và hiệu quả, Hà Nội cần kịp thời sử dụng các kết quả đánh giá Chỉ số PII vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hà Nội cũng cần ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số PII, trong đó lồng ghép xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số PII với các giải pháp, nhiệm vụ nâng cao các chỉ số khác của thành phố như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Cải cách hành chính (PAR INDEX); chuyển đổi số (DTI); Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI)...
Trưởng ban Chính sách Đổi mới sáng tạo (Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo) Nguyễn Võ Hưng cho rằng, bản chất của đổi mới sáng tạo là làm ra cái mới, cái chưa từng có. Hà Nội tụ hội nhiều nền tảng tri thức để đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, vì tính “mới, chưa từng có” này chưa có trong các quy định hiện hành nên mâu thuẫn trực tiếp với cách điều hành, hành xử của các sở, ban, ngành. Vì vậy, địa phương nào linh hoạt, có sáng kiến, cởi mở để “gỡ” cho những thứ mới thì nơi đó phát huy được đổi mới sáng tạo. Hà Nội đang yếu về trụ cột thể chế nên cần quan tâm đến yếu tố này.
“Hà Nội dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo nhưng so với các trung tâm khác ở khu vực và thế giới, vị trí của Hà Nội còn rất xa. Hà Nội cần tiếp tục cải thiện để có thể cạnh tranh trong cuộc đua thu hút đầu tư và nhân tài...”, ông Nguyễn Võ Hưng bày tỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.