(HNM) - Không có nhiều biến động so với năm 2020, trong những tháng đầu năm 2021, tỷ giá chuyển đổi của đồng VND với USD được duy trì khá ổn định. Tâm lý tích trữ USD trong nhân dân cũng giảm mạnh so với những năm trước khi nhiều người thay đổi thói quen gửi USD trong ngân hàng để chuyển sang VND hưởng lãi suất, bởi lãi suất USD tại ngân hàng vẫn được áp dụng 0%. Với thực tế này, các chuyên gia đều dự báo tỷ giá sẽ ổn định trong cả năm 2021.
Theo thông tin của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3-2021, đồng USD trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 được triển khai rộng rãi trên khắp nước Mỹ. Đồng thời từ ngày 12-3, Mỹ bắt đầu triển khai gói cứu trợ giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19, kích thích sự phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ trong hai ngày 16 và 17-3 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0%-0,25% và duy trì chương trình mua trái phiếu ở mức ít nhất 120 tỷ USD/tháng để hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ khiến giá USD tăng.
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá USD bình quân trên thị trường tự do dao động quanh mức 23.140 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 3-2021 tăng 0,23% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân quý I-2021 giảm 0,58%.
Đối với thị trường trong nước, trong những ngày đầu tháng 4-2021, tỷ giá tiếp tục ổn định. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD quanh mức 23.241 VND. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước 23.125 VND/USD (mua vào) - 23.884 VND/USD (bán ra).
Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng USD phổ biến ở mức 22.980 VND/USD (mua vào) và 23.160 VND/USD (bán ra). Cụ thể, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giao dịch ở mức 22.980 VND/USD (mua vào) và 23.160 VND/USD (bán ra); Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) giao dịch ở mức 22.975 đồng/USD (mua vào) và 23.175 đồng/USD (bán ra) trong khi Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) là mức 23.000 đồng/USD (mua vào) và 23.160 đồng/USD (bán ra).
Dự báo về đồng USD thời gian tới, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính cho rằng: Xu hướng của tỷ giá VND/USD thời gian tới phụ thuộc vào việc Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp như thế nào trên thị trường ngoại hối. Trong bối cảnh thặng dư thương mại ở mức cao năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã mua một lượng lớn USD nhằm ổn định tỷ giá VND/USD, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối lên hơn 90 tỷ USD. Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ cũng nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng hơn nhiều trong việc mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ mua ít USD hơn so năm 2020 sao cho tổng số ngoại tệ mua vào không quá 2% GDP.
Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán KB Securities lại cho rằng, kịch bản của đồng VND trong năm 2021 sẽ tăng giá khoảng 0,5-1% trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tích cực và đồng USD giảm giá cùng với những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước. Nguồn cung ngoại tệ được đánh giá vẫn duy trì trạng thái dồi dào trong năm 2021, khi hoạt động xuất, nhập khẩu và kỳ vọng dòng vốn FDI chảy mạnh về Việt Nam.
Nói về định hướng điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2021, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Trên cơ sở mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, diễn biến thị trường trong, ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.