Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường sắt vượt khó nhờ đổi mới

Tuấn Lương| 15/01/2023 06:31

(HNM) - Hàng loạt giải pháp như tăng tỷ lệ tàu đi và đến đúng giờ, đa dạng các hình thức bán vé, giảm giá, phát triển các dịch vụ mới, cắt giảm tối đa toa xe để tiết kiệm chi phí trong thời kỳ thấp điểm về vận tải… đã được ngành Đường sắt áp dụng trong thời gian qua. Đây được coi là những đổi mới giúp ngành Đường sắt vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi.

Nhân viên kiểm soát vé hướng dẫn người dân di chuyển ra tàu tại Ga Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Từng bước phục hồi sau đại dịch

“Sau 2 năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Đường sắt đã từng bước phục hồi với nhiều tín hiệu khả quan” - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022.

Mặc dù chưa thể phục hồi hoàn toàn, song kinh doanh vận tải đường sắt đã bắt đầu có lãi. Theo báo cáo của VNR, doanh thu hợp nhất của đơn vị đạt 7.718,2 tỷ đồng (bằng 113,8% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 115,8% kế hoạch). Số lỗ giảm khoảng 400 tỷ đồng. Kết quả này đến từ việc VNR đã triển khai các giải pháp nâng sản lượng, doanh thu vận tải như: Tận dụng tối đa năng lực chạy tàu, chủ động xây dựng giá vé linh hoạt, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn; tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách hàng, cắt giảm tối đa toa xe để tiết kiệm chi phí vào các thời kỳ thấp điểm. Đáng chú ý là các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như tour ẩm thực tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tàu cao cấp tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn… vẫn đang thu hút lượng khách rất lớn vào dịp cuối tuần. VNR cũng đã hoàn thiện hệ thống bán vé điện tử, đa dạng hóa các hình thức bán vé giúp hành khách có thêm lựa chọn và chủ động đặt vé.

Với vận tải hàng hóa, bên cạnh việc duy trì và tổ chức vận tải theo kế hoạch đối với các luồng hàng truyền thống như apatit, phân bón, than, gạo, muối…, các đơn vị đã phối hợp ưu tiên chạy tàu hàng chuyên tuyến, vận chuyển hàng liên vận quốc tế và chạy thêm các đoàn tàu hàng thường và 1 đoàn tàu liên khu đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.

Để hút khách, VNR đã thực hiện điều chỉnh giá vé linh hoạt, xây dựng phương án giá nguyên đoàn cho các khách hàng có số lượng vận chuyển lớn. Cụ thể: Giảm giá vé tàu khách từ 2% đến 90% và tăng từ 2% đến 15% tùy đối tượng, số lượng, thời gian đi tàu và thời gian mua vé; giảm giá cước vận tải từ 2% đến 20% và tăng từ 2% đến 35% tùy theo mặt hàng, cự ly và thời gian vận chuyển.

Cũng trong năm 2022, tỷ lệ đi đúng giờ của tàu khách Thống Nhất đạt 98,9%, đến đúng giờ đạt 77,4%; tỷ lệ đi đúng giờ của tàu khách khu đoạn đạt 97,7%, đến đúng giờ đạt 84,6%.  

An toàn, thuận tiện, đúng giờ

Nói về kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023, Tổng Giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh cho biết sẽ xây dựng biểu đồ chạy tàu phù hợp với năng lực hạ tầng và phương tiện; hoàn thiện các phương án về giá dịch vụ; khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ; hoàn thành kế hoạch quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt theo đúng các tiêu chuẩn, chất lượng hiện hành…

Đường sắt sẽ tập trung phát triển các tàu khách khu đoạn (đường ngắn), đầu tư phương tiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ; đưa ra các chương trình ưu đãi, chính sách linh hoạt để cạnh tranh với các loại hình vận tải khác; tăng cường liên kết với các công ty du lịch, định hướng vận chuyển hành khách gắn với du lịch; tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics; nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc - Nam, container vận chuyển hàng đông lạnh...

Cùng với đó, ngành Đường sắt nỗ lực phấn đấu bảo đảm tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ đạt từ 77% trở lên; tiếp tục hiện đại hóa, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và điều hành giao thông - vận tải đường sắt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc khách hàng; bổ sung, hoàn thiện các tính năng của phần mềm quản trị hàng hóa, hệ thống bán vé điện tử cho phù hợp với thực tế phát sinh. “Ngành cũng duy trì các mác tàu, tuyến đường hiệu quả cao, giảm bớt các đoàn tàu hiệu quả thấp; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách trọn gói tới các địa điểm du lịch, vận tải hàng hóa từ kho đến kho; xây dựng thực đơn suất ăn trên tàu (có cam kết chất lượng bằng hình ảnh) để phục vụ nhu cầu của các tập thể khi đi tàu”, ông Đặng Sỹ Mạnh thông tin.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của VNR mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, ngành Đường sắt cần xác định 3 trụ cột, đó là kết cấu hạ tầng (gồm các đơn vị bảo trì, quản lý hạ tầng), vận tải (cung cấp dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa) và công nghiệp cơ khí đường sắt. Trong đó, sản phẩm chính của đường sắt là vận tải. VNR phải bán sản phẩm thị trường cần, muốn vậy cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, tần suất tàu đi đến đúng giờ, an toàn, tạo thuận tiện cho người dân khi mua vé, lên tàu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt vượt khó nhờ đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.