Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường sắt đô thị Hà Nội: Di sản xưa, không gian sáng tạo hôm nay

Lê Trung Hiếu| 03/02/2022 06:27

(HNMCT) - Hà Nội là đô thị hội tụ vẻ đẹp truyền thống và hiện đại, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc. Trong dòng chảy ngàn năm, đường sắt đô thị đã ghi dấu một phần trong đó, khẳng định sức sống mạnh mẽ, lâu bền.

Tàu điện Hà Nội xưa.

"Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya"

Kể từ khi hệ thống tàu điện Hà Nội (tiếng Pháp: Tramway de Hanoi) do người Pháp xây dựng được đưa vào vận hành (năm 1901) đến nay đã tròn 120 năm. Cùng với quy hoạch khu phố Tây, hệ thống tàu điện Hà Nội là dấu ấn của bước chuyển đổi mô hình đô thị phong kiến sang đô thị hiện đại.

Thuở đó có một bài ca dao khuyết danh như sau: “Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài/ Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh/ Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành/ Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường/ “La ga” thì ở Thụy Chương(*)/ Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên/ Bồi bếp cho chí bồi bàn/ Chạy tiền ký cược đi làm “sơ vơ”(**)/ Xưa nay có thế bao giờ/ Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba...”. Ban đầu chỉ là 3 tuyến với chiều dài hơn 10km, sau quá trình phát triển kéo dài, mở rộng, đến cuối những năm 1920, mạng lưới tàu điện Hà Nội đã có 5 tuyến, tổng chiều dài xấp xỉ 50km. Các tuyến tàu điện thời đó được thiết kế hướng tâm. Người Pháp đã tinh tế khi chọn khu vực phía Bắc hồ Hoàn Kiếm (chỗ gần tòa nhà "Hàm cá mập" hiện nay) làm trung tâm khi lập quy hoạch. Từ vị trí này, tàu điện tỏa ra 6 ngả, kết nối trung tâm nội đô với các vùng ngoại ô như Bưởi, Cầu Giấy, Yên Phụ, Hà Đông, chợ Mơ, Vọng (Bệnh viện Bạch Mai). Có thể thấy, việc đặt trung tâm mạng lưới tại hồ Hoàn Kiếm đã làm nên sức cuốn hút đặc biệt cho tàu điện. Một hệ thống giao thông hiện đại, văn minh bậc nhất thời đó được hình thành, không những đã khẳng định vai trò chuyên chở hành khách mà còn tôn thêm vẻ đẹp, làm nên sự đặc sắc của không gian cảnh quan Hồ Gươm và khu phố cổ, phố Pháp.

Thời kỳ đầu, tàu điện Hà Nội chỉ sơn một màu đỏ nâu. Sau này mới có toa sơn nửa đỏ nửa xanh theo chiều dọc toa tàu. Ghế cũng thế, đầu tiên chỉ có ghế ngồi dọc, không chia từng chỗ. Sau khi đổi màu sơn của toa tàu, bắt đầu có ghế đặt ngang, hai người một ghế. Tàu điện là phương tiện vận tải hành khách công cộng đơn giản nhưng thuận tiện, đặc biệt là rẻ tiền, phục vụ người nghèo là chính, đi từ ngoại ô vào thành phố là chính. Giá vé cho suốt một tuyến thường chỉ có 5 xu, tương đương với giá một quả chuối hay một phần mười bát phở bình dân.

Không chỉ là một phương tiện giao thông công cộng đơn thuần, tàu điện còn là một nét văn hóa đặc trưng, gần gũi, thân thuộc với người Hà Nội. Việc nhường ghế cho người già, phụ nữ từng được xem là "văn hóa tàu điện", một cách ứng xử thanh lịch, tiêu biểu cho phong cách sống của người Hà Nội một thời. Tiếng "leng keng tàu sớm khuya" cùng với những hình ảnh "tàu điện Bờ Hồ" còn được lưu giữ, những câu chuyện kể truyền qua bao thế hệ đã chứng minh giá trị văn hóa - lịch sử của tàu điện trong ký ức người dân Thủ đô.

Đầu năm 1990, trước sức ép của sự phát triển kinh tế - xã hội, tàu điện Hà Nội chính thức ngừng sứ mệnh phục vụ nhân dân và phải tháo dỡ vì không đáp ứng được nhu cầu giao thông trong thành phố khi đó. Những thanh ray được bóc dỡ nhanh chóng trong niềm day dứt, nuối tiếc của biết bao người. Hà Nội mất đi tiếng “leng keng” thân thuộc, mất đi một thứ rất đáng được xem là di sản đầy tiềm năng, có thể phát huy giá trị.

Các nhà ga đường sắt đô thị Hà Nội hứa hẹn sẽ là những không gian sáng tạo mới. Ảnh: Hà Anh

Những không gian sáng tạo mới

Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ mới, khi những tiếng "leng keng" vẫn còn trong ký ức ngọt ngào của nhiều người Hà Nội thì thành phố cũng bắt đầu hình thành những tuyến đường sắt đô thị mới. Và sau hơn một thập niên xây dựng, tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A), tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đã đi vào vận hành, khai thác cuối tháng 11-2021 vừa qua. Với tố chất mạnh mẽ, nhanh chóng, ưu việt, đường sắt đô thị sẽ trở thành xương sống của mạng lưới vận tải công cộng Hà Nội. Mỗi chuyến tàu có thể chở hàng nghìn người, đi trên cao hoặc đi ngầm. Khác với vẻ đẹp trầm lắng của tàu điện mặt đất, tàu điện trên cao và tàu điện ngầm lại mang vẻ đẹp hiện đại đến cho thành phố. Và còn gì thú vị hơn nếu ở mỗi ga đến, người xem lại được chiêm ngưỡng, tìm hiểu về một vùng đất khác nhau của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mạng lưới đường sắt đô thị được kỳ vọng sẽ là mạch nối những trục không gian văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, góp phần nâng tầm vị thế đô thị trung tâm của Việt Nam và khu vực. Tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Đức..., ga tàu điện ngầm vừa phục vụ vận tải, vừa là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, không gian sáng tạo nghệ thuật, trung tâm thương mại đáp ứng nhu cầu của người dân. Chẳng hạn như Ga Avtovo ở thành phố Saint Petersburg (Nga), Ga San Giovanni (Rome, Italy) hay Ga Alexanderplatz (Berlin, Đức)... là những bảo tàng di sản dưới lòng đất, trưng bày hình ảnh, hiện vật theo từng tầng lớp lịch sử phát triển của đô thị. Các không gian nhà ga đường sắt đô thị Hà Nội là nơi tập trung đông người, được thiết kế xây dựng hiện đại, hứa hẹn cũng sẽ là những không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật, không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, trở thành những điểm nhấn của Thủ đô thời hội nhập và phát triển - điểm tham quan, mua sắm, check-in hấp dẫn du khách.

Đặc biệt, những người yêu Hà Nội hẳn sẽ rất vui nếu như có một nhà ga được bố trí trở thành không gian trưng bày, thậm chí phục dựng mô hình và cả tiếng "leng keng tàu điện" để lưu giữ, giới thiệu những ký ức đẹp về tàu điện xưa - một phương tiện giao thông của một thời kỳ lịch sử, một nét đẹp văn hóa trường tồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

---------------------
* Nhà máy xe điện nằm ở phố Thụy Khuê, trên đất làng Thụy Chương xưa.
** Người bán vé kiêm cầm cần vẹt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt đô thị Hà Nội: Di sản xưa, không gian sáng tạo hôm nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.