Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường Lâm - Nơi lưu giữ “hồn” làng Việt cổ

09/02/2010 08:06

(HNMO) - Cách Trung tâm Hà Nội hơn 50km về hướng Tây, Làng cổ Đường Lâm (nay thuộc Sơn Tây, Thành Phố Hà Nội) nổi tiếng là mảnh đất hai Vua (Ngô Quyền và Phùng Hưng). Từ 28/11/2005, Đường Lâm đã vinh dự được nhà nước trao bằng chứng nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và trở thành làng cổ đầu tiên của Việt

Nam. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, vùng đất này hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng của dân tộc.

Dọc Quốc lộ 32 về Sơn Tây, chúng tôi đến làng cổ Đường Lâm vào một ngày đầu năm 2010. Qua làn sương sớm trước mắt chúng tôi hiện ra khá rõ hình hài của một khu làng cổ với cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình..., cùng những ngôi nhà bằng đá ong nằm san sát theo con đường làng quanh co, uốn lượn. Phía xa là núi Ba Vì và những cánh đồng trải dài tít tắp tới tận chân trời. Dấu ấn của một thời quá khứ xa xưa với những trang sử hào hùng hiện về, trở thành những giá trị lịch sử trường tồn của đất nước.

Từ quá khứ đến hiện tại

Theo bản đồ địa chính, Đường Lâm hiện có 9 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụng Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Đây là ngôi làng duy nhất còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ. Nơi đây như một “Bảo tàng sống” lưu giữ những di tích lịch sử văn hóa có giá trị trải qua hàng nghìn năm: Từ Đình Phùng Hưng, Đền Ngô Quyền tới đền thờ bà chúa Mía... Đặc biệt, ở Đường Lâm còn giữ lại được những cây đa, cổng làng, đình làng, giếng nước có hàng trăm năm tuổi, bên cạnh những ngôi nhà cổ với đường nét kiến trúc từ thế kỷ 17 - 18 cùng phong tục tập quán tín ngưỡng được gìn giữ bất biến qua nhiều đời. Ấy cũng là niềm tự hào thầm kín của người dân Đường Lâm!

Chúng tôi vào thăm ngôi nhà cổ nhất trong làng của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, con út của dòng họ Nguyễn Văn ở Mông Phụ. Ngôi nhà rộng 420m2, được xây vào năm 1649, đến nay đã có hơn 360 năm tuổi. Đây là ngôi nhà cổ đầu tiên ở Đường Lâm được quy hoạch bảo tồn và được tổ chức Jaica, Nhật Bản phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho sửa chữa với mục tiêu tôn trọng nguyên bản một cách nghiêm ngặt. Ngôi nhà gồm 5 gian chính, 3 gian bếp và khu vệ sinh được phục chế lại gần như nguyên bản. Anh Hùng cho biết, hiện ở Làng cổ Đường Lâm có gần 300 ngôi nhà cổ truyền thống, được xây dựng chủ yếu bằng đá ong, gạch mộc, gắn kết bằng đất trộn với trấu. Cột trụ và trần nhà thường được làm bằng gỗ xoan. 3 gian giữa ngôi nhà được đặt bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, 2 gian bên là nơi mẹ chồng nàng dâu ở. Mái nhà bao giờ cũng võng xuống theo hình cánh diều, được lợp ngói mũi theo lối lợp chen vai, cài cánh, đan xít vào nhau như vẩy rồng. Có những mái ngói nặng hàng tấn khiến người ta phải dùng bộ khung gỗ tốt trong hàng tứ thiết như Lim, Sến, Táu…


Ngôi đình cổ lớn nhất của làng Mông Phụ

Mở cửa đón chúng tôi vào nhà, ông Hà Hữu Thể rất nhiệt tình giới thiệu về ngôi nhà cổ hàng trăm năm của gia đình mình. Theo đó, nhà ông có từ thời Lê, thế kỷ thứ XVI, và đã quan 13 đời cha truyền con nối. Nhà được chia làm 7 gian, 2 dĩ, mái võng cánh diều. Các hoa văn họa tiết trên trần nhà tượng trưng cho hai con hạc đang bay quay đầu vào nhau, có thêm biểu tượng trống đồng trên lưng xoáy, bên dưới vách nhà gọi là bức thùng mũi đuối, mỗi cái bức thùng mũi đuối chia làm bảy phào chỉ, được làm rất cẩn thận. Cột trụ nhà được làm bằng gỗ đinh, chỉ cần đánh giấy ráp, thì độ bóng của gỗ lại nổi lên như mới…

Trọng tâm bảo tồn ở Đường Lâm là làng Mông Phụ, nơi có chiếc cổng cổ xưa nhất vẫn được gìn giữ tới bây giờ. Cổng làng được xây dựng từ năm 1833, phía trên tựa dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại”, tạm dịch là thời nào cũng có người tài. Làng Mông phụ có các ngõ khá rộng, chạy ngoằn nghèo, uốn lượn và thường được lát gạch ở phần giữa. Dọc 2 bên đường là tường hậu của các nhà dân xây bằng đá ong, hay gạch mộc. Những cây đa, giếng nước, sân đình nơi đây đều có cả trăm năm tuổi, còn giữ lại những nét cổ kính, khắc họa nên “hồn” làng Việt cổ xưa. Người dân Đường Lâm luôn tự hào rằng, quê họ là “Đất hai Vua”, là nơi “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh ra hai vị Vua Phùng Hưng và Ngô Quyền cùng nhiều người nổi tiếng khác như Thám hoa Giang Văn Minh, Bà chúa Mía (Vương phi của chúa Trịnh Tráng), Thám hoa Kiều Mẫu Hãn, hay Bộ trưởng Bộ nội vụ đầu tiên của nước ta Phan Kế Toại…

Đến thăm đền thờ Ngô Quyền nằm trên làng Cam Lâm, chúng tôi phải mê mẩn với cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây. Đền được cất trên một quả đồi hướng về một chiếc hồ lớn theo thế “nghênh phong, chiếu thủy” với tổng diện tích cả khuôn viên tới gần 5000m2. Tương truyền, tại mảnh đất này, ngày xưa trong cuộc chiến chống quân Nam Hán, vua Ngô Quyền từng dùng rặng Ruối ở đây để buộc voi chiến trước khi cho xuất trận. Cũng tại thôn Cam Lâm còn có Đình thờ Vua Phùng Hưng, còn được gọi là Bố Cái Đại Vương. Ông được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này vào thế kỷ thứ VIII. Người dân Đường Lâm đến nay ai vẫn lưu giữ hình ảnh một vị vua từng oai hùng hạ gục hổ dữ cứu dân lành tại đồi Hùm. Cứ vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, dân làng thường mở hội để tưởng nhớ đến công ơn Bố Cái Đại Vương.



Khu di tích thờ Thám hoa Giang Văn Minh 


Giữ mãi nét Việt xưa

Xã Đường Lâm nằm trong vùng chân núi Ba Vì, gần các con sông: Sông Hồng, Sông Đà, Sông Tích, Sông Đáy. Khu vực Đường Lâm ngày nay vẫn mang cảnh quan của vùng trung du, vùng bán sơn địa, làng xóm tụ cư bố trí quanh đồi gò ven sông, Nhiều địa danh còn dấu tích của những đồi gò và cánh rừng xưa. Người Đường Lâm sống chủ yếu bằng nghề nông. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi họ còn có các nghề phụ truyền thống như làm tương, Đậu phụ, hay làm kẹo bột, chè lam, bánh tẻ… Như bao làng quê khác ven sông Hồng, ngày lễ hội ở Đường Lâm thường có đội tế Nam quan, Nữ Quan với quần áo cổ trang nghiêm, kính cẩn. Ngày giỗ chính của gia đình phải có thịt gà Mía bày trong mâm cỗ cúng tổ tiên…

Để lưu giữ “hồn” làng Việt cổ, tháng 5/2006, tỉhị xã Sơn Tây cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lập kế hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các Di tích Văn hóa - lịch sử của làng cổ Đường Lâm. Theo đó, Cục di sản Văn hóa và tỉnh Sơn Tây đã điều tra khảo sát và phối hợp với chuyên gia nhiều nước, trong đó có sự hỗ trợ nhiệt tình của tổ chức Jaica - Nhật Bản tham gia trùng tu, tu bổ các di tích. Cũng từ đó, các lớp tập huấn được mở ra nhằm nâng cao nhận thức về giá trị và trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ cảnh quan di tích cho cán bộ và nhân dân trong xã. Nhiều dự án được tu bổ di tích, hỗ trợ kinh phí cho những hộ dân có nhu cầu xây nhà, mua đất ngoài vùng Di tích làng cổ Đường Lâm cũng được quan tâm.

Tự hào về làng quê mình, bao lớp thế hệ Đường Lâm từ ngày xưa đến nay luôn phát huy, gìn giữ tinh thần khuyến học nền nếp, con cháu noi gương cha ông rèn luyện ý chí, tinh thần. Đây thực sự là món quà có ý nghĩa về mặt vật chất và tinh thần cho những người dân của làng cổ Đường Lâm, làm cho họ ý thức hơn về nơi mình đang sống…

Ông Hà Văn Tĩnh, Làng Mông Phụ phấn khởi cho biết: “Từ ngày Nhà nước công nhận làng Di tích lịch sử quốc gia, bản thân tôi rất tự hào về vùng đất quê mình sinh ra và lớn lên. Đây cũng là niềm tự hào của toàn nhân dân, toàn đất nước và cả thế giới”. Ông Nguyễn Ngọc Lê, Làng Mông Phụ, Khuôn mặt ánh lên niềm tự hào: “Từ ngày xưa, tinh thần cha ông là phát huy những nghề truyền thống, như nuôi tằm, làm tương, làm đậu, làm nghề… từ ngày làng cổ được công nhận di tích quốc gia, nhân dân chúng tôi rất phấn khởi và quyết tâm phát huy tinh thần bảo vệ và phát triển những di tích văn hóa- lịch sử”.

Tam biệt Đường Lâm, trái tim tôi bồi hồi xúc động khi nhìn cây đa, bến nước, sân đình cùng với những người nông dân cần cù, chịu khó, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt, tinh thần Việt và niềm tự hào của Việt Nam.

Dương Quang Chiến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường Lâm - Nơi lưu giữ “hồn” làng Việt cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.