Tên một đường dài 3320m, chạy dài tiếp nối phố Phan Đình Phùng, giáp phố Mai Xuân Thưởng đến giáp đường Bưởi, tạo những ngã ba với các phố: Ngọc Hà, Dốc Tam Đa, phố Đốc Ngữ, đường Lạc Long Quân chỗ nối đường Bưởi thuộc quận Ba Đình...
Phố Hoàng Hoa Thám Ảnh: P.T |
Thời Pháp thuộc, đường này gọi là Đê Pa-rô Đi-gơ Pa-rô (Digue Parreau), dân chúng gọi là Đường Thành. Theo bản đồ Thăng Long đời Hồng Đức (1470 - 1497) thì đây chính là một trong hai dãy tường thành phía Bắc (tường kép) của toà thành Thăng Long. Đường đi qua khu vực văn phòng Thủ tướng Chính phủ, chỗ giáp với đường Phan Đình Phùng, vườn Bách Thảo, Cục Điện ảnh, Xí nghiệp phim thời sự, Nhà máy bia Hà Nội, Viện chống lao trung ương. Bên phía số lẻ, đoạn giữa là phía sau Xí nghiệp tàu điện (cũ), Xí nghiệp thuộc da và gần phần tiếp giáp đường Bưởi là Xí nghiệp sản xuất ngói fibro - ciment.
Đường này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc nhiều thôn làng cổ. Đầu phía Đông là thôn Xuân Sơn, tiếp đến thôn Hữu Tiệp, phía Tây là thôn Vĩnh Phúc. Trừ thôn Xuân Sơn thuộc tổng Yên Thành, còn các thôn khác đều thuộc Tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Tại các thôn xóm cũ đều có đình, chùa. Đình Hữu Tiệp thờ Huyền Thiên Hắc Đế. Đình Vĩnh Phúc thờ Thái tể họ Hoàng. Chùa Vĩnh Khánh ở thôn Vĩnh Phúc, có quả chuông đúc năm Bảo Thái thứ 7 (1726).
Đường mang tên Hoàng Hoa Thám (1845 - 1913), còn gọi là Đề Thám, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế, còn gọi là "Hùm thiêng Yên Thế" (Bắc Giang). Ông tên thật là Trương Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyên Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế, căn cứ ở Bắc Giang từ năm 1887 đến năm 1913. Vợvà con trai ông cũng là những tướng giỏi. Cuộc khởi nghĩa kéo dài trên 10 năm, sau bị thực dân Pháp đàn áp, ông bị sát hại trong khu rừng Yên Thế. Hoàng Hoa Thám là vị anh hùng dân tộc, yêu nước, bất khuất trong lịch sử Việt Nam. Con gái ông là Hoàng Thị Thể có thời ở Pháp, sau về Hà Nội và quê hưong trước 1973.
Trích Từ điển đường phố Hà Nội
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.