(HNM) - Người ta biết đến Vũ Bích Hường như một tấm gương sáng về ý chí vượt qua thử thách trên đường chạy, vươn tới thành công. Nhưng, giá như cuộc sống cũng như đường chạy thì bây giờ, người đầu tiên đoạt HCV SEA Games cho điền kinh Việt Nam không phải nghĩ ngợi nhiều như thế này.
VĐV Vũ Bích Hường. |
Đường chạy
Để có thể trụ lại với điền kinh, Hường đã đối mặt đủ loại khó khăn. Khó khăn nhất là lúc chị kết hôn khi đang là VĐV. Lúc ấy, Vũ Bích Hường mới hơn 20 tuổi, độ tuổi sung sức nhất của một VĐV điền kinh. Kết hôn, rồi sinh con, khi ấy ít ai tin rằng có ngày lại thấy cô gái người gốc Gia Lâm trở lại đường chạy, tưởng như nghiệp điền kinh đã khép lại với chị. Nhiều người ở mạn Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám đã quen với cảnh cô gái trẻ Vũ Bích Hường bán xôi, ốc luộc, bánh mỳ pa tê. Phải đến khi HLV Hoàng An thấy học trò quá vất vả mới khuyên chị trở lại đường chạy. Đấy là thử thách lớn với Hường. Nhưng chị chấp nhận thử thách, chấp nhận chuyện tập luyện với điền kinh Hà Nội mà không có bồi dưỡng. Dù thấy được sự quyết tâm ở "cô gái vàng" ngày nào nhưng vẫn có người tin rằng Hường sẽ không thể nào trở lại đỉnh cao. Biết thế, Vũ Bích Hường càng quyết tâm tập để chứng tỏ năng lực. Ngay tại giải điền kinh quốc gia đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, mới trở lại luyện tập nhưng Vũ Bích Hường đã giành ngôi cao, và tất cả đã nhìn chị với ánh mắt thán phục.
Nhưng sự thán phục dành cho Vũ Bích Hường vẫn chưa dứt. Ở SEA Games 18 năm 1995, người phụ nữ một con tràn trề sinh lực, khát vọng ấy đã đưa điền kinh Việt Nam sang trang sử mới tại đấu trường SEA Games. Chiếc HCV cự ly 110m rào nữ của chị cũng là chiếc HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam ở đấu trường SEA Games. Đó là tấm HCV có ý nghĩa mở đường bởi sau khi giành được nó, điền kinh Việt Nam mới bắt đầu đặt mục tiêu cao hơn. Sau đấy, dù không giành HCV nào nữa vì đụng phải Trecia Robert (người Mỹ, gốc Thái Lan) nhưng Vũ Bích Hường vẫn được coi là tượng đài của điền kinh Việt Nam về ý chí thi đấu cũng như khả năng chuyên môn. Thậm chí, sau khi sinh con lần thứ 2, lúc gần 40 tuổi, chị vẫn trở lại đường chạy, vẫn xếp trong nhóm đầu ở giải vô địch quốc gia.
Lúc chị nghỉ thi đấu thì huy chương quốc gia, quốc tế, bằng khen của Chính phủ đều đủ cả… chị được vào biên chế, đảm nhiệm việc tìm kiếm, đào tạo VĐV trẻ. Trong công việc mới, không ai chê trách được chị bởi cũng như ngày còn thi đấu, Vũ Bích Hường vẫn hết mình với công việc, vẫn chấp nhận rọi đèn xe máy để học trò tập chạy trên đường đê.
Và đường đời
Cuộc sống của chị sẽ bình lặng trôi qua nếu hai năm vừa qua, những tin không vui không liên tiếp bay đến với gia đình "người đàn bà thép" của làng điền kinh này. Đầu tiên, là chuyện vợ chồng chị đành phải bán căn nhà nhỏ ở phố Thụy Khuê để lấy tiền chữa trị cho cậu con trai, mắc căn bệnh cần nhiều tiền và thời gian. Thế là đang từ cảnh có nhà thành đi thuê nhà. Nhưng vợ chồng chị động viên nhau cắn răng vượt qua khó khăn để giành lấy tương lai cho con, số tiền còn lại có thể mua nhà dành cho người thu nhập thấp.
Ai dè, khó khăn lại tiếp tục ập đến. Lần này, đến lượt chồng chị đổ bệnh nặng. Biết gia cảnh của chị, bộ môn Điền kinh Hà Nội tạo điều kiện hết mực để chị lo việc gia đình. Thế là giờ đây phần lớn thời gian của chị là ở nhà chăm chồng và vào bệnh viện. Mới rồi, đúng ngày cậu con trai Ngọc Quang tiếp bước mẹ bước vào thi đấu chung kết 110m rào tại Giải vô địch quốc gia thì chồng chị lại phải vào cấp cứu ở Bệnh viện K. Không dám báo cho con, chị chỉ mong nó sẽ yên tâm thi đấu. Ai dè Ngọc Quang lại phạm quy lúc xuất phát, bị loại khỏi cuộc đua. Đến đây chị chỉ còn biết kêu trời khi vận hạn cứ liên tục đổ lên đầu. Người thân bị bệnh, còn gia đình cứ đi ở thuê, tiền từ việc bán căn nhà cũ rồi chẳng mấy mà hết.
Bây giờ, vợ chồng Vũ Bích Hường chỉ mong được mua một căn nhà thu nhập thấp bên mạn Gia Lâm, Long Biên để có chỗ đi về. Đơn xin mua nhà của chị đã được gửi lên Sở VH,TT&DL Hà Nội để được gửi tới nơi có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Cái ước mơ ấy của "người đàn bà thép" trên đường chạy, giờ vẫn đang dang dở. Giúp Vũ Bích Hường hiện thực hóa ước mơ ấy cũng là cách thể hiện sự trân trọng với một người đã cống hiến nhiều cho thể thao Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.