Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường biên của tình hữu nghị

Trung Hiếu| 16/07/2010 08:42

(HNM) - Lễ tuyên bố chính thức quản lý đường biên giới mới và triển khai thực hiện Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (ký ngày 18-11-2009) vừa chính thức diễn ra tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang) - Thiên Bảo (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Đại diện các bộ, ngành của Việt Nam kiểm tra cột mốc 1116 tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) trước khi khánh thành cuối năm 2008.  Ảnh: Thanh Hải


Cột mốc hòa bình, hữu nghị
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau lễ công bố 3 văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đi vào cuộc sống ngày 14-7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Hồ Xuân Sơn, đã nhấn mạnh, sự kiện này ghi thêm một mốc son mới trong lịch sử quan hệ Việt - Trung. Từ khối lượng công việc đã đạt được, sự bền bỉ của các cán bộ nhiều cấp, bộ, ngành, địa phương, nơi có đường biên giới đi qua đã hoàn thành trong suốt hàng chục năm qua, mới thấy hết giá trị của kết quả hôm nay.

Ba văn kiện Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc cùng với Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 1999 tạo thành bộ hồ sơ hoàn chỉnh nhất về đường biên giới trên đất liền Việt - Trung. Các văn kiện này sẽ thay thế Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 cũng như Hiệp định tạm thời về giải quyết các công việc trên vùng biên giới Việt - Trung ký giữa Chính phủ hai nước năm 1991. Từ nay, từng đoạn biên giới, từng cột mốc biên giới giữa hai nước được thể hiện một cách rõ ràng nhất không chỉ bằng lời văn mà cả trên các sơ đồ và bản đồ, giúp cho mọi người đều có thể dễ dàng nhận biết được đường biên giới. Các văn kiện còn quy định rõ những nội dung công việc cụ thể của các ngành chức năng trong việc quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới.

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc dài 1.449,6km, trong đó đường biên giới đi theo sông suối là 383,9km. Hai bên đã cắm 1.971 mốc, trong đó có 1 mốc được cắm theo Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, 1.548 mốc chính và 422 mốc phụ.

Hiệp định về quy chế quản lý biên giới quy định chi tiết hơn về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước sông suối biên giới; quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn về sự qua lại biên giới của người, phương tiện và hàng hóa; nêu rõ quy chế phối hợp trong việc duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự trên vùng biên giới. Kèm theo Hiệp định còn có 18 phụ lục quy định về các loại mẫu giấy tờ trao đổi giữa hai bên trong quá trình xử lý các công việc trên vùng biên giới hai nước.

Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã bổ sung nhiều nội dung chi tiết hơn; đồng thời nêu ra các nguyên tắc và biện pháp cụ thể trong việc giải quyết từng vấn đề liên quan đến biên giới trên đất liền Việt - Trung, kể cả những vấn đề nảy sinh như các biện pháp giải quyết vấn đề xuất nhập cảnh trái phép; các nguyên tắc về xây dựng các công trình ở vùng nước biên giới, vùng biên giới hay sửa chữa, khôi phục mốc giới. Trong hiệp định này còn có một nội dung hoàn toàn mới, đó là quy định việc thành lập Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc để phối hợp, đôn đốc, giám sát việc triển khai công tác quản lý biên giới. 

Mở ra nhiều cơ hội mới trong quan hệ hai nước
Có thể khẳng định, việc 3 văn kiện Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc chính thức có hiệu lực đã nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, là bước cụ thể phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Từ nay, các cơ quan hữu quan hai nước sẽ căn cứ vào 3 văn kiện này để triển khai công tác quản lý biên giới một cách hiệu quả và khoa học, cùng nhau xây dựng đường biên giới đất liền Việt - Trung hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác. Chắc chắn rằng, đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc được xác định rõ ràng, chính xác sẽ là động lực lớn, tạo điều kiện cho các địa phương hai bên biên giới mở rộng hợp tác kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị, gắn bó bền chặt tình cảm của nhân dân hai nước.

Ngày 7-11-1991: Hai nước ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên đường biên giới;
Ngày 19-10-1993: Hai nước ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.
Ngày 30-12-1999: Hai nước ký Hiệp ước biên giới trên đất liền.
Ngày 27-12-2001: Hai bên tiến hành cắm cột mốc đầu tiên tại cửa khẩu
Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng
(Trung Quốc).
Ngày 31-12-2008: Hai bên ký Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Ngày 23-2-2009: Hai bên long trọng tổ chức Lễ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Ngày 18-11-2009: Hai bên ký ba văn kiện Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
Ngày 14-7-2010: Hai bên tuyên bố 3
văn kiện ký ngày 18-11-2009 chính thức có hiệu lực.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đường biên của tình hữu nghị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.