(HNMO)- Tôi không nhớ con đường mang tên Nhân Quyền, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, trước đây nối ngang đường Hoàng Diệu và đường Độc Lập, được đổi thành địa danh Bắc Sơn ngày nào; mà chỉ nghe nói vào đầu những năm của thập niên 70, thế kỷ trước. Còn hai hàng cây hoa Ban và Dầu nước, được trồng trên đường hè tản bộ của mọi người, kéo dài 200 mét, chạy dọc vườn hồng, thì cùng thời điểm khởi công “Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ”, tháng tư năm 1993; nhìn thẳng hướng và đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(HNMO)- Tôi không nhớ con đường mang tên Nhân Quyền, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, trước đây nối ngang đường Hoàng Diệu và đường Độc Lập, được đổi thành địa danh Bắc Sơn ngày nào; mà chỉ nghe nói vào đầu những năm của thập niên 70, thế kỷ trước. Còn hai hàng cây hoa Ban và Dầu nước, được trồng trên đường hè tản bộ của mọi người, kéo dài 200 mét, chạy dọc vườn hồng, thì cùng thời điểm khởi công “Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ”, tháng tư năm 1993; nhìn thẳng hướng và đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giờ đây, ai cũng gọi đường Bắc Sơn là Vườn Hồng, một khu vườn tình yêu, hay là vườn cổ tích mỗi độ xuân về. Bởi lẽ cứ đến mùa xuân, người ta lại chọn những gốc đào đẹp nhất Hà Nội về trồng bên những luống hồng thơm phức. Khi ấy, hàng chục đôi cô dâu chú rể nườn nượp lên Vườn Hồng chụp ảnh, rồi quay lên đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ để thắp hương cầu phúc trăm năm, thuỷ chung đến đầu bạc răng long. Vườn hạnh phúc là thế, vườn tình yêu là vậy.
Ấy là miền hoa cho những ngày xuân với tình yêu đằm thắm làm xao xuyến trái tim của bất cứ ai dạo bước qua đây, và chắc không thể không nhớ lại những ngày tháng đẹp đẽ trong hạnh phúc của mình. Và tôi cũng vậy, người chiến binh đã từng chia tay với một tình yêu để lên đường, trong không khí rạo rực của những chàng trai Hà Nội cầm súng bảo vệ non sông. Và cái tên đường Bắc Sơn, không chỉ là hoa ban, không chỉ là hoa hồng, hoa đào, mà cái màu đỏ của ngọn cờ chiến thắng ngày nào, của năm 1940, của các chiến sĩ Bắc Sơn khởi nghĩa như vẫn còn đang phất cao trên Đài tưởng niệm, giữa khoảng trời xanh, thăm thẳm với thời gian. Đó là khởi nguồn của công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nước ta. Đó là sự bắt đầu vinh quang mà lực lượng quân đội ta phát huy ngày một lớn mạnh và hùng hậu cho đến ngày nay. Bắc Sơn! Bắc Sơn! Bài ca còn đó. Giai điệu hào hùng của nhạc sĩ Văn Cao vẫn ngân vang cùng tháng năm:
“Dân quân du kích. Cách mạng bùng mùa thu
Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu…
Bắc Sơn! Đây hố sâu mồ chôn
Rừng núi ngân tiếng hú căm hờn
Bắc Sơn! Khi bóng trăng mờ sương
Bắc Sơn! Không bóng người dưới thôn…”
Ý nghĩa về Bắc Sơn như một tượng đài là thế. Con đường hình thành cùng “Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ” như một sự ghi dấu và tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc. Nhiều người còn nhớ hình ảnh của chủ tịch nước Võ Chí Công đã rất xúc động đặt viên gạch đầu tiên xây nên móng cho Đài tưởng niệm, với ý nghĩa, các anh hùng liệt sĩ, tuy là những người đã khuất, nhưng còn sống mãi trong lòng mọi người. Họ hy sinh để cho dân tộc Việt Nam hồi sinh, phát triển đi lên.
Phải nói tác phẩm kiến trúc “Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ” của kiến trúc sư Lê Hiệp đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa và tư tưởng một tượng đài; vừa hiện đại, vừa dân tộc thông qua hình tượng bông hoa sen, được cách điệu bằng bốn mặt vát, gợn sóng, quét nhũ vàng từ trong thân đài. Biểu cảm ấy tạo nên sự giao hoà vũ trụ, mở ra 4 phương, tám hướng, ẩn chứa những linh cảm thành kính mỗi khi khói trầm bay lên toả lan về cõi vĩnh hằng. Nhất là về đêm trong ánh sáng rạng rỡ, hình tượng hoa sen lại càng nổi bật, trên hồ nước, như toả quầng sáng hướng về một quá khứ hào hùng và những hy sinh anh dũng của bao anh hùng, liệt sĩ đã hiến dâng tuổi trẻ cho đất nước.
Tôi đã từng qua nhiều vùng quê và thành phố trên toàn quốc, và cũng đã từng được xem nhiều tượng đài liệt sĩ, nhưng ít nơi có được công trình đẹp. Nhiều địa phương xây giống nhau và hình tượng đơn giản hoặc chỉ là những trụ bia cao to, không có tính tạo hình, gợi lên ý nghĩa sâu sắc về lịch sử để truyền đạt lại cho những người dân địa phương. Lẽ dĩ nhiên, gần đây cũng có nhiều tác phẩm đẹp như tượng đài kỷ niệm ở “Nhà tù Phú Quốc”; cụm tượng đài ở “Nghĩa trang Trường Sơn”, Quảng Trị; tượng đài “Liệt sĩ” của nhà điêu khắc nổi tiếng Điềm Phùng Thị, ở huyện Hường Trà, Huế; hay có thể kể đến tính hình tượng đậm chất tâm linh của tượng đài ở Quy Nhơn…Và, thật đáng chú ý, hiện công trình tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng”, đang được xây dựng ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, với hình tượng mẹ Nguyễn Thị Thứ, người đã có 9 con ruột, 1 cháu ngoại, 1con rể đã hy sinh cho Tổ quốc, cũng sẽ là một tượng đài lớn và rất đẹp trong thời gian tới.
Riêng ở Hà Nội, tác phẩm “Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ” thật sự tiêu biểu và đại diện cùng những tượng đài, phù điêu trên đường phố thủ đô như “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, tượng đài “Chiến thắng Ngọc Hồi”, tượng “Chiến sĩ không quân anh hùng” trên đồi Sóc Sơn…
Trên một vị trí đắc địa, và một hình tượng ẩn chứa nhiều cảm xúc cho bất cứ ai đến đây, “Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ” của Hà Nội, cùng con đường Bắc Sơn; được đặt tên vào những đầu những năm 70, đã gợi nhớ cho tôi những năm tháng, quân và dân thủ đô căng sức chiến đấu với không quân Mỹ đến ném bom thành phố. Chúng ta đã làm nên một lịch sử huy hoàng qua trận Điện Biên Phủ trên không, trong suốt 12 ngày đêm, từ 18 đến 29 năm 1972. Quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 23 máy bay B-52 và nhiều máy bay phản lực khác, bẻ gãy âm mưu của tổng thống Ních-xơn, ngày ấy muốn ép ta quay lại đàm phán trong thế yếu.
Nhưng chúng đã thất bại cay đắng và toàn diện trước sức mạnh của quân và dân thủ đô anh hùng. Tôi đã từng đọc những vần thơ chân thật của người lính viết cho người yêu, về cuộc chiến đấu vĩ đại này, như nhắc nhở cho mọi người, về một quá khứ đầy khắc nghiệt:
“Lại một ngày khủng khiếp
Em có biết chăng máy bay Mỹ đến trắng trời
B-52! Bom thả khắp nơi
Chúng đánh vào trung tâm thành phố
Suốt mười hai ngày đêm dập dồn không kịp thở
Bom cứ roi! Bom cứ rơi!
Và lửa cháy ngút trời
Cùng ngàn âm thanh gào rú…”
Vậy mà, chúng vẫn thất bại như thường, quân và dân ta kiên cường đánh Mỹ để bảo vệ những đoàn tàu vượt sóng trên biển, và những chuyến xe băng băng qua con đường Trường Sơn, tiếp sức cho mặt trận, với ý nghĩa cả nước cùng đánh giặc để giải phóng miền Nam, hướng tới thống nhất đất nước. Và cũng chỉ mấy tháng sau, với chính sách khoan dung, Nhà nước ta đã trao trả 116 phi công, tù binh Hoa Kỳ, tại sân bay Gia Lâm, vào ngày 29-3-1973. Đó là hành động của một dân tộc anh hùng, dũng mãnh, phi thường, nhưng luôn luôn bao dung, vị tha…Ấy là những ngày tháng đường Bắc Sơn được đặt tên.
Tháng bảy này, tôi trở lại đường Bắc Sơn với bao ký ức xao động trong tâm hồn. Các bạn trẻ đang dạo bước bên Vườn Hồng, còn tôi chậm chạp đi giữa hai hàng cây trên hè phố, để hướng tới “Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ” Hà Nội. Bên phải tôi, những cây Dầu nước được gửi từ miệt rừng U Minh xa xôi, cực Nam của Tổ quốc, với bao hình ảnh thân yêu của đất Mũi Cà Mau. Và tôi lại sực nhớ đến cuộc nổi dậy của anh hùng Phan Ngọc Hiển, người con của đất Mũi, cũng vào thời điểm 1940, trùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Đó là điều thật kỳ lạ. Ông đã nổi dậy đánh chiếm đèn biển và tiêu diệt tên chúa đảo người Pháp, ở Hòn Khoai, Cà Mau. Thật không may, sau đó đội quân khởi nghĩa trong rừng đước Rạch Giá sa bẫy giặc. Thực dân Pháp đã hành quyết 10 chiến sĩ khởi nghĩa tại sân vận động Cà Mau, vào ngày12/7/1941. Nhưng rồi, sau này chính Hòn Khoai đã trở thành điểm tuyến quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ đó xuống Vàm Ông Đốc, một cửa sông cách đây 56 năm (1954), được chọn là nơi chuyển quân ra Bắc. Cũng từ đây, chuyến khởi hành đầu tiên của con tàu Kilinxki (Ba Lan) chở cán bộ chiến sĩ miền Tây Nam Bộ ra Bắc tập kết theo Hiệp định Giơ-ne-vơ…Và mãi mãi sau này, chẳng ai có thể quên câu thơ cuối cùng của cố thi sĩ Xuân Diệu trong bài thơ “Mũi Cà Mau”
“Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền xé sóng - Mũi Cà Mau”
Vậy đó đường Bắc Sơn hội tụ được những ký ức của lịch sử cách mạng, với những nỗi mênh mang của sự tưởng nhớ và biết ơn của người dân thủ đô và của bất cứ ai đến đây.
Tôi đi giữa hai hàng cây của lịch sử và tình yêu. Lịch sử của Bắc Sơn và lịch sử của Hòn Khoai, đã trở thành bất tử. Còn tình yêu là của nàng Khôm, bông hoa Ban trên cánh rừng Tây Bắc. Và có sự trùng hợp bất ngờ là hoa Dầu nước và hoa Ban cùng nở, vào cữ xuân, từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Đâu đây, những tiếng cười trong trẻo của các nữ sinh với tà áo dài trắng vang lên ríu rít. Tôi ngơ ngẩn ngắm những tà áo bay phơ phất trước bao nhành hoa hồng, ngát hương. Một luống hồng mới, còn lưu giữ những giọt nước long lanh, mà các chị công nhân vừa tưới sáng sớm nay. Tôi ngừng lại trước Đài tưởng niệm, rồi quay lưng nhìn về phía Lăng Bác. Những dòng người đang xếp hàng, dưới cái nắng sớm mai vàng óng, như mật ngọt vậy. Sau mỗi lần vào viếng Lăng Bác, nhiều đoàn còn tiếp tục đi về Vườn Hồng, hướng tới Đài tưởng niệm để thắp nén hương tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ. Tôi đứng lặng đi như muốn ngóng chờ họ vậy. Xung quanh tôi, những tà áo trắng của các nữ sinh vẫn cứ bay trong ảo giác, lung linh, làm cho tôi ngỡ như đang vào mùa hoa Ban. Những bông hoa trắng, phớt tím hồng như đôi môi thiếu nữ, trong vườn hồng ngày xuân.
Bất ngờ, một đoàn học sinh khác lại náo nức tràn ra, từ Đài tưởng niệm, họ vừa cầu nguyện cho một mùa thi tốt đẹp, và mong ước đến một tình yêu, hạnh phúc. Tôi đoan chắc rằng, sẽ không ít các cô gái chàng trai trẻ này sẽ một ngày nào đó, vào mùa xuân chẳng hạn, đến đây súng xính trong bộ váy áo cưới, lộng lẫy, xinh đẹp đi dưới rặng hoa Ban và hoa Dầu nước để chụp ảnh, rồi mong ước tình yêu của mình sẽ trọn vẹn và tha thiết như câu chuyện tình của nàng Ban. Bỗng nhiên tôi mơ, cứ mỗi năm, bên Vườn Hồng này cùng với mùa hoa Ban, hoa Dầu nước nở, sẽ có hàng trăm đôi tình nhân làm lễ cưới, giống như người ta đã từng làm lễ cưới tập thể ở phố hoa Đà Lạt vậy. Sao lại không nhỉ?
Tôi mê mải ngắm nhìn những tà áo trắng đang bay trước gió, ngỡ như lịm đi trong giấc mộng hoa Ban, rồi quay vào Đài tưởng niệm thắp ngọn nến hồng cháy lên với ánh sáng diệu kỳ. Tôi chắp tay, cúi mình cầu ước rằng cuộc sống này sẽ ngày một thêm vui tươi, hạnh phúc và các anh luôn luôn ở bên chúng ta trong mọi góc cạnh tâm hồn. Mãi mãi. Vĩnh hằng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.