(HNM) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống, song đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên...
Tổ chức dạy bơi cho trẻ em tại quận Hà Đông, góp phần giảm tai nạn đuối nước. Ảnh: Bá Hoạt |
Những vụ việc đau lòng
Năm 2018, người dân Hà Nội phải chứng kiến không ít vụ đuối nước thương tâm. Điển hình là vụ hai cháu bé 4 tuổi và 2 tuổi là chị em ruột trong một gia đình ở thôn Tiên Thượng, xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) ra khu vực ao đình chơi, không may trượt chân ngã xuống ao và tử vong vào cuối tháng 6 vừa qua. Đáng chú ý, khu vực này là điểm vui chơi quen thuộc của trẻ em sống quanh đình làng thôn Tiên Thượng và thường xuyên có người qua lại. Cùng thời điểm trên, một vụ việc đuối nước hy hữu xảy ra tại bể bơi của tòa nhà G.L. trên đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân). Trong khi người mẹ đang trao đổi với giáo viên về việc đăng ký học bơi cho con thì bé trai 5 tuổi đã nhảy xuống bể bơi và bị đuối nước thương tâm.
Trước đó, vào tháng 7-2017, 5 nạn nhân gồm cả người lớn và trẻ em bị đuối nước tại ao làng có mực nước chỉ sâu hơn 1m thuộc thôn Sở Hạ, xã Ninh Sở (huyện Thường Tín). Trường hợp khác là 5 học sinh ở xã Việt Long (huyện Sóc Sơn) rủ nhau đi câu cá ở sông Cà Lồ, đoạn chảy qua địa bàn xã Việt Long và bị ngã xuống sông, chết đuối vào tháng 10-2017.
Sự việc khó tin từng xảy ra là bé N.N.T. (8 tuổi) ở Hà Nội gặp nạn ngay trong bồn tắm của gia đình…
Theo số liệu công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, TP Hà Nội và hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An để xảy ra số lượng trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất cả nước. Trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em Việt Nam bị tử vong do đuối nước, thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực và cao gấp 8 lần so với các nước phát triển.
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Theo Sở Y tế Hà Nội, đuối nước có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, từ ao, hồ, sông, suối, công trường xây dựng, cho đến những điểm ngập lụt trên đường phố vào ngày mưa, thậm chí ở cả những vật trữ nước như bể cá cảnh, xô nước, bồn tắm, chum, vại... Thời kỳ cao điểm xảy ra đuối nước thường vào mùa hè, trẻ em được nghỉ học và tham gia các hoạt động bơi lội, vui chơi.
Để phòng đuối nước cho trẻ em, trẻ cần được người lớn quan tâm trông nom. Những trẻ lớn hơn cần được hướng dẫn để không chơi, không tắm tại những nơi cấm bơi, lội, nơi có biển cảnh báo nguy hiểm. Khi cho trẻ bơi phải có người lớn biết bơi đi kèm. Bên cạnh đó, trẻ cần được tập luyện kỹ năng bơi lội, trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu đuối nước, biết cách sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy. Các gia đình nên che đậy kín dụng cụ chứa nước khi không sử dụng, lắp rào chắn xung quanh khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước. Nhà trường và chính quyền địa phương cần hướng dẫn, tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, tạo môi trường an toàn cho trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ đuối nước, đặc biệt là trong mùa hè. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phối hợp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kiến thức cơ bản về phòng, chống đuối nước, cách xử lý, sơ cứu ban đầu khi gặp trường hợp đuối nước tại cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số lượng trẻ em đuối nước được công bố ít hơn so với con số xảy ra trong thực tế. Cũng theo ông Nguyễn Trọng An, việc tạo ra môi trường an toàn là giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất để giảm thiểu nguy cơ đuối nước cho trẻ em. Trước mắt, chúng ta phải áp dụng được những kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.