(HNM) - Chủ tịch MTTQ tỉnh Lào Cai Sí Xuân Kìn bộc bạch:
Cô và trò bên ngôi trường mới.
Con đường gập ghềnh vào xã vùng sâu Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã trở nên thân quen với chúng tôi từ lúc nào. Nhất là khi đang có một ngôi trường tiểu học gắn biển báo Hànộimới đang hiện diện giữa trập trùng núi, trập trùng mây chênh vênh. Thành quả của biết bao công sức, biết bao tấm lòng hảo tâm thông qua Quỹ "Trái tim nhân ái" do báo Hànộimới phát động đã được đơm hoa kết trái trên mảnh đất biên cương, hiện hữu trong một công trình ươm mầm xanh cho đất nước.
Có trường là có hạnh phúc
Đường lên Sàng Ma Sáo hôm nay đã không còn phải cuốc bộ hàng cây số như đi trong trận lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 tháng 8 năm ngoái. Những tảng đá to bằng cả mái nhà theo đất đá từ non cao ầm ầm rơi xuống nằm chắn ngang đường cũng đã được san phẳng bằng sức người. Công sức đó có được là của hàng trăm con người trực tiếp vừa gùi từng bao xi măng xây trường trên núi, không quản ngại đóng góp những đồng vốn ủng hộ trường qua Quỹ "Trái tim nhân ái" do báo Hànộimới phát động.
Nhớ lại những ngày đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Hoàng Đăng Khoa xúc động cho biết: "Vừa làm trường chúng tôi vừa san lấp đất đá để lấy đường đi lên. Có những thời điểm công trình phải chậm lại cả tháng do gặp phải mùa mưa nhưng chẳng ai thấy nản lòng. Đến giờ nhìn lại càng thấy những đồng vốn từ Quỹ "Trái tim nhân ái" thật là động lực để chúng tôi làm tròn trách nhiệm hơn nữa với nhân dân". Nghe tâm sự của đồng chí Hoàng ĐăngKhoa chúng tôi chợt nhớ hình ảnh người Phó Chủ tịch huyện đã bật khóc rưng rưng khi thông báo những thiệt hại của đồng bào mình trong cơn bão số 4 cách đây gần 6 tháng...
Ngày khánh thành trường tiểu học và trường mầm non Khu Chu Phìn mây mù giăng kín núi đồi Sàng Ma Sáo. Cách 5m đã không nhìn rõ mặt người. Cao nguyên Khu Chu Phìn bàng bạc một màu nước. Đoàn xe chúng tôi nối đuôi nhau vượt 60 cây số đường rừng từ Lào Cai đi lên mà có quãng chẳng còn thấy bóng xe đi trước. Khó khăn dường ấy nhưng vẫn cảm phục trước nghĩa tình bà con chờ đợi đón đoàn. Không quản ngại khó khăn do thời tiết gây ra, đồng bào người Mông, người Dao, người Hà Nhì... ở Sàng Ma Sáo đã chuẩn bị sẵn sàng xiêm áo xuống dự lễ cắt băng khánh thành trường mới từ tinh mơ. Có không ít bà con phải đi từ tờ mờ sáng mới tới nơi. Cảm động hơn khi biết 58 em nhỏ Trường Tiểu học Khu Chu Phìn chẳng em nào chịu về nhà với bố mẹ dù đang ngày chủ nhật. Các em ở lại trường chờ đợi giây phút trọng đại được là chủ nhân của một ngôi trường mới khang trang. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa cho biết: "Các em cứ háo hức chờ được chuyển trường. Ngày nào cũng vậy đến giờ ra chơi là đám trẻ lại kéo sang chơi trên sân trường mới đứng cả giờ nhìn vào lớp học qua ô cửa sổ". Cùng với 4 cô thầy khác, cô giáo Nguyễn Thị Hoa cùng chồng là thầy giáo Nguyễn Chí Hòa đều là những lớp giáo viên trẻ tình nguyện từ thành phố Lào Cai lên Sàng Ma Sáo cắm bản gieo con chữ. Hạnh phúc và tình yêu từ lúc nào đã nở hoa trên vùng đất rẻo cao này.
Trong ngày vui khánh thành trường mới hôm nay trên đỉnh Sàng Ma Sáo, những đồng nghiệp chúng tôi ở báo Lào Cai thì cứ nhắc đi nhắc lại những kỷ niệm đẹp khi cùng nhau chung tay chống giá rét, lũ lụt, giúp bà con dựng lại những mái trường, những ngôi trường. Đến giờ, tình cảm gắn bó keo sơn giữa những người làm báo chúng tôi không chỉ cho ra đời một ngôi trường đầy ý nghĩa như ở Sàng Ma Sáo. Qua 6 tháng từ một bãi đất hoang vu, lổn nhổn đá tai mèo và cỏ gianh, đã có bao kỳ tích được làm nên.
Niềm vui của các em nhỏ người Mông trong ngày khánh thành Trường Tiểu học Khu Chu Phìn.
Sàng Ma Sáo là một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát với 100% đồng bào dân tộc thiểu số. Có một dạo chẳng ở nơi nào mà những hủ tục lại tồn tại rõ nét như ở nơi đây. Mới đó còn thấy bà con các dân tộc vẫn giữ thói quen tảo hôn, không cho con em đi học, người chết để trong nhà nhiều ngày... Thành quả của ánh sáng văn minh theo chân các thầy, cô giáo cắm bản mới hiện diện ở đây chưa lâu thì tháng 8 năm 2008 cơn bão số 4 gây ra lũ ống, lũ quét đi qua chôn vùi nhiều công trình công cộng, trong đó có một điểm văn hóa xã, một ngôi trường tiểu học. Khó khăn chồng chất khó khăn, đầu năm học mới 2008-2009 các em nhỏ Khu Chu Phìn, Sàng Ma Sáo đã phải học trong căn nhà tạm. Trước hôm khánh thành trường một tuần, căn nhà tuềnh toàng dùng làm lớp học cho các em còn bị gió thổi tốc mái.
Nhìn ngôi trường khang trang xây dựng trên khu đất mới ngày nào còn là bãi đất trống, khu nghĩa địa của người Mông mới thấy hết công sức bỏ ra của cộng đồng. Có thể nói thành công trong sự giúp đỡ của báo Hànộimới có một phần không nhỏ ý thức của bà con người Mông theo đạo Tin lành. Những người đã dũng cảm vượt qua hủ tục lạc hậu để hướng tới cuộc sống vì cộng đồng ấm no, hạnh phúc. Trưởng thôn Khu Chu Phìn anh Tráng A Páo một người theo đạo Tin lành có 13 ngôi mộ dòng tộc trên bãi đất dành để xây trường phấn khởi kể lại: "Tập quán của người Mông và nhất là những người theo đạo Tin lành chúng tôi là người đã mất phải đào sâu chôn chặt. Mồ mả còn quan trọng hơn cả ngôi nhà mình đang ở. Nhưng khi quyết định di dời phần mộ ông bà để xây trường cho con em, trước sự vận động bằng lý, bằng tình của cán bộ, chúng tôi đều đồng thuận". Không chỉ là hộ có phần mộ di dời nhiều nhất nhường đất để xây trường, anh Páo còn vận động bà con cũng làm như mình. Điển hình là hộ Lý A Chao có tới 12 phần mộ cũng quyết định làm theo.
Chỉ trong 1 ngày để gấp rút có ngay mặt bằng xây dựng ngôi trường tại bãi Sơn Ba, đồng bào người Mông ở Khu Chu Phìn đã di dời hơn 87 phần mộ của các dòng họ trên địa bàn phải nói là một kỳ tích. Trong buổi lễ khánh thành trường, Bí thư Đảng ủy xã Sàng Ma Sáo, Lý A Khoa cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện này: "Mừng nhất là sau việc làm đúng đắn đó bà con họ đạo đã không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục nữa. Ngôi trường khang trang cho chính con cháu người Mông hiện diện trên phần đất thiêng của chúng tôi đã cho thấy bộ mặt xấu xa xuyên tạc nói xấu chính quyền của không ít người còn lầm lạc".
Qua 6 tháng khẩn trương thi công, đến giờ ngay cả bà con người Mông theo đạo Tin lành đã hoàn toàn tin vào những kỳ tích mà họ đã đạt được. Có ngôi trường mới khang trang rất nhiều bà con vui vẻ cho con em đến lớp. Có trường như có thêm niềm vui, hơn 20 hộ bà con người Mông theo đạo Tin lành từ trên núi cao rủ nhau xuống dựng nhà quây quần thành thôn mới Khu Chu Phìn. Chính quyền xã cũng hết sức tạo mọi điều kiện cho xe san ủi làm thành mặt bằng, huy động sức người, sức của dựng nhà đón bà con. Lý A Dua, Chủ tịch xã Sàng Ma Sáo cho biết: "Nhìn công trình trường tiểu học và trường mầm non Khu Chu Phìn khang trang lộng lẫy được xây lên từ tấm lòng của những người làm báo Hànộimới, cán bộ và nhân dân xã Sàng Ma Sáo vô cùng phấn khởi và tin tưởng nơi đây sẽ là nơi ươm những mầm xanh cho đất nước". Từ bỏ những tập tục lạc hậu, cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc ngày càng hiện hữu nơi đây. Những ngày bão lũ đi qua, cả xã Sàng Ma Sáo khó khăn là thế nhưng bà con người Mông đã tự quyên góp được 700 nghìn mua gạo, mì để cứu trợ khẩn cấp những hộ gặp nạn. Bà con Hà Nhì xã A Tý còn có nghĩa cử sẵn sàng nhường 1ha diện tích lúa đang thì con gái để đồng bào người Mông ở xã Hải Thầu bị thiệt hại nặng nề có chỗ định cư... Những câu chuyện ấy vẫn được người già kể mãi cho con cháu nghe bên bếp lửa bập bùng.
Thay lời kết
Ngoảnh đi, ngoảnh lại thế mà đã 6 tháng từ khi những người làm báo Thủ đô chung tay góp sức với bà con dân tộc huyện Bát Xát xây dựng một ngôi trường cho các em nhỏ Khu Chu Phìn, xã Sàng Ma Sáo. Nhớ lại ngày khởi công trường, bài báo "Có một Hà Nội trong lòng Sàng Ma Sáo" lên trang truyền từ biên cương về đã thực sự gây xúc động mạnh mẽ không chỉ với nhân dân Thủ đô. Ngọn lửa yêu thương từ Quỹ "Trái tim nhân ái" do báo Hànộimới có thêm rất nhiều, rất nhiều sự ủng hộ nhiệt tâm từ những tấm lòng sẵn sàng sẻ chia vì cộng đồng đến từ khắp nơi. Tấm lòng đó của độc giả xa gần đã được chúng tôi chuyển lửa thành những công trình hướng tới tương lai như trên đất Sàng Ma Sáo. Chúng tôi biết, rồi đây từ ước mơ của các em nhỏ, của bà con vùng biên cương trong ngày khánh thành trường mới, sẽ còn nhen lên ngọn lửa từ biết bao tấm lòng nhân ái nữa.
Dương Hiệp
(truyền từ Sàng Ma Sáo)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.