Hôm nay trường tổ chức đi tham quan Bảo tàng Quân đội. 6h30 sáng, cả đoàn xe 40 chỗ đã đỗ trước cổng trường, chúng em hớn hở dắt nhau đi tìm xe của lớp mình.
- Khối 5, khối 6 lên xe số 4, khối 7 chia lên hai xe số 5 và số 6. Còn lại khối 8 lên ba xe đầu 1, 2, 3. - Thầy Hùng thông báo.
Ai nấy đã biết được số xe của mình và bắt đầu lên xe. Nhưng khi chúng em đang ổn định chỗ ngồi thì bỗng nghe tiếng xe ô tô phanh gấp phía bên ngoài, tiếng trượt của lốp cao su trên mặt đường báo hiệu có điều gì đó vừa xảy ra. Ngồi trên xe nhìn xuống, em thấy một chú thanh niên cùng chiếc xe máy đổ ngang còn hai thanh niên từ chiếc ô tô con bước ra với vẻ mặt dữ tợn. Một anh chỉ tay vào chú đi xe máy vừa kịp ngồi dậy mà mắng:
- Đi đứng kiểu đường làng thế à?
Anh còn lại tiếp luôn:
- Xem ô tô có sao không, cho tay tỉnh lẻ này đền cho nhớ. Chiếc xe máy quèn này không đủ cho một vết xước đâu em ạ.
- Dạ, dạ, em xin lỗi các anh, em chở cháu em đến trường đi tham quan, sợ đến muộn nên em sơ ý... mong các anh thông cảm. Vừa nói, chú ấy vừa xoa tay vào vết thương nơi đầu gối.
Các thầy cô giáo lên tiếng can ngăn:
- Thôi mấy em, chú ấy biết lỗi rồi! Vả lại ô tô của các em có sao đâu, thông cảm chút đi.
- Các ông, các bà biết gì mà nói, nhìn cái biển xe kia kìa. - Anh thanh niên chỉ vào biển xe số 19, nghĩa là xe ngoại tỉnh và nói lớn hơn:
- Đi ra đường Hà Nội mà đi kiểu cua đồng có ngày còn mất mạng. Mà không mất mạng thì cũng đền đến mọt gông... Đúng là nhà quê!
Chiếc xe ô tô không mảy may xây xước nhưng hai người thanh niên kia vẫn lèm bèm và ném theo chú đi xe máy những cái nhìn đầy căm giận.
Chứng kiến câu chuyện trên, em không đồng tình chút nào với kiểu phân biệt thành thị, nông thôn của hai anh thanh niên đi ô tô con.
Khi tham gia giao thông, mọi người đều phải chấp hành luật giao thông, còn khi vi phạm phải giải quyết theo luật, chứ dùng những lời lẽ phân biệt, miệt thị thì thật không nên chút nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.