(HNM) - Năm học 2017-2018, Hà Nội sẽ tổ chức giảng dạy đại trà tại các trường bộ tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh”, đồng thời tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Vẫn là đối phó
Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tháng 7 vừa qua khiến không ít người giật mình: Khoảng 90% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh THPT và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Đáng chú ý là xu hướng này gia tăng trong 2 năm gần đây. Ba nguyên nhân hàng đầu được xác định có tác động mạnh gây ra tai nạn giao thông gồm đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.
Phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật về giao thông cho học sinh trung học phổ thông. |
Việc tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông không phải bây giờ mới được ngành Giáo dục quan tâm. Từ tháng 4-2015, khi toàn quốc mở đợt cao điểm xử phạt các trường hợp trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm tại Hà Nội đã tăng từ 30% lên 70%, thậm chí hơn 80% sau gần một tháng ra quân. Từ năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT Hà Nội và Công an thành phố đã ký quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, trong đó trọng tâm là quản lý học sinh đi xe máy, tăng cường giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ… Nhiều giải pháp đã được triển khai, như ghi hình phạt nguội; đích thân giáo viên, hiệu trưởng “vi hành”, theo học trò đến từng ngõ; giải tỏa các điểm trông giữ xe trái phép gần khu vực trường học… Việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ của học sinh đã chuyển biến, tình trạng học sinh sử dụng xe máy khi chưa có giấy phép giảm hẳn.
Thế nhưng, hết đợt cao điểm, mọi việc lại đâu vào đấy. Không khó để thấy hiện tượng học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, kẹp ba… sau giờ tan học lại xuất hiện. Thực tế trên cho thấy, hầu hết học sinh mới chỉ chấp hành theo kiểu đối phó mà chưa tự giác.
Giáo dục đi kèm xử phạt nghiêm
Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên ngành Giáo dục Hà Nội triển khai phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu không chỉ nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông mà còn xây dựng nếp văn hóa giao thông cho học sinh. Ngoài việc đa dạng hóa các hình thức giáo dục để tạo sự hấp dẫn, Hà Nội còn tăng cường xử lý kỷ luật, vừa để giáo dục học sinh vi phạm, vừa răn đe học sinh khác.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Đức (quận Hoàn Kiếm) dẫn chứng, trước đây nhà trường đã có không ít trường hợp phụ huynh cho con đi xe máy dù chưa có giấy phép; học sinh bị lực lượng công an giữ nhưng rồi lại tha; nhà trường nhận được thông báo học sinh vi phạm song cũng chỉ nhắc nhở; học sinh thấy bạn vi phạm mà không bị xử phạt, nên tái diễn... Tuy nhiên, hiện nay Trường THPT Việt - Đức là một trong số các đơn vị có nhiều chuyển biến về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Ông Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh, để có kết quả tích cực trên thì sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của nhà trường - gia đình - xã hội cùng với sự nghiêm khắc trong xử lý vi phạm là điều kiện quan trọng hàng đầu.
Nằm trên trục đường Tân Mai nơi có lưu lượng phương tiện giao thông khá lớn, Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) luôn coi việc giáo dục học sinh có ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông là nhiệm vụ quan trọng. Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình trên địa bàn còn hạn chế nên không có tình trạng bố mẹ cho con sử dụng xe máy, nhưng việc giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho học sinh vẫn luôn được lưu tâm, bởi hầu hết học sinh đều sử dụng phương tiện cá nhân đi học. Trong nhiều nội dung triển khai, nhà trường tập trung hướng dẫn thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện để các em luôn an toàn khi tham gia giao thông.
Còn ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho rằng, để xây dựng được nếp văn hóa giao thông cho học sinh như mục tiêu đề ra, việc giáo dục ý thức, hành vi chấp hành cần được triển khai liên thông ở các cấp học với mức độ, nội dung, hình thức phù hợp. Ngoài lý thuyết, học sinh cần có thêm nhiều cơ hội để thực hành các kỹ năng cơ bản như điều khiển phương tiện, quan sát, nắm tốc độ, xử lý tình huống bất ngờ trên đường… Việc kiểm tra hiệu quả thực tế dạy và học nội dung này cũng cần được quan tâm hơn, tránh hình thức, bởi đây là những điều kiện căn bản góp phần giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.
Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT công bố tháng 7-2017, môn giáo dục công dân sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của công dân về chấp hành pháp luật, trong đó có các quy định về an toàn giao thông. Môn học này được triển khai từ tiểu học, THCS đến THPT, với thời lượng 1 tiết/1 tuần. Việc trang bị các kỹ năng cho học sinh sẽ được thực hiện qua hoạt động trải nghiệm - là nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.