Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dựng đền thờ Bà Triệu xứng với tầm lịch sử

ANHTHU| 22/04/2007 09:09

(HNM) - Từ TP Thanh Hóa theo đường 45 đi 15km, qua cầu Quan, rẽ phải đi thêm độ 2,5 km nữa là đến chân núi Nưa. Núi Nưa hùng vĩ án ngữ vùng đất rộng lớn phía tây huyện Nông Cống.

(HNM) - Từ TP Thanh Hóa theo đường 45 đi 15km, qua cầu Quan, rẽ phải đi thêm độ 2,5 km nữa là đến chân núi Nưa. Núi Nưa hùng vĩ án ngữ vùng đất rộng lớn phía tây huyện Nông Cống.

Mô tả cảnh sắc nơi đây, thơ xưa có câu: Nông Cống chí tây vạn lĩnh hoàn. Dựa vào thế núi hiểm trở, năm 246, bà Triệu Thị Trinh (sinh năm 226) cùng anh là Triệu Quốc Đạt đứng lên chiêu tập binh mã chống lại ách đô hộ của nhà Ngô. Sau khi Triệu Quốc Đạt mất, bà Triệu tiếp tục lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống lại chính quyền đô hộ. Nghĩa quân của Bà Triệu chiến đấu dũng cảm và đã thắng nhiều trận, giết viên thứ sử nhà Ngô ở Giao Châu, Tôn Quyền phải cử một viên tướng giỏi là Hành Dương đốc quân đô úy Lục Dận làm thứ sử và đem quân sang Giao Châu đàn áp nghĩa quân. Bà Triệu hy sinh trên núi Tùng ngày 21-2 năm Mậu Thìn (1-4-248).

Tại vùng đất phát tích của cuộc khởi nghĩa, trên đất làng Tử Nê, nay là thôn Yên Dân, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, từ xa xưa, dân dựng đền thờ Bà Triệu. Hằng năm cứ đến ngày 21-2 âm lịch dân làng mở hội tưởng niệm công đức bà. Năm 1954, do ít được coi sóc, đền rơi vào cảnh đổ nát. Mãi đến năm 1994, dân làng Yên Dân mới góp những đồng tiền ít ỏi dựng lại hậu cung đền thờ bà rộng hơn 40m2 ngay trên nền móng cũ. Tường đền xây gạch, mái lợp rạ. Sau đó, do nhận rõ ý nghĩa đặc biệt, Sở VH-TT tỉnh Thanh Hóa đã xếp hạng bảo tồn di tích ở cấp tỉnh. Tháng 3-2006, bà Nhân Ngọc Minh ở xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An công đức bộ khung tòa tiền tế 5 gian bằng gỗ mít. Tòa tiền tế rộng 100m2 mái lợp ngói ta, ba phía để trống, dân gọi là tòa nghênh phong. Anh Nguyễn Văn Quý ở 19 phố Nguyễn Khắc Hiếu, Hà Nội công đức tiền, tạc tượng bà chúa Liễu ở phủ Nưa, một tì tướng của Bà Triệu. Tượng nặng hơn 2 tấn, tạc bằng đá núi Nhồi đã được đặt trong khuôn viên phía sau đền. Hiện nay những người thợ giỏi của Thanh Hóa đang tạc tượng voi trắng một ngà được Bà Triệu thu phục. Tượng nặng hơn 7 tấn, cũng tạc bằng đá núi Nhồi, khi hoàn thành sẽ được đặt ngay tại thùng Đá Voi ở phía trước đền.

Con đường vào đền Bà Triệu dài hơn 2km do dân làng bỏ công sức đào đắp. Đầu tháng 4, đoạn đường hơn 200 mét trước cửa đền người làng thay nhau đắp xong trong một tuần để kịp cho ô tô chở tượng vào đền và khánh thành đúng ngày giỗ Bà Triệu năm nay.

Đứng trước đền Bà Triệu mới tu tạo đơn sơ, trong tôi có nhiều suy nghĩ. Hiện tại, làng Yên Dân chỉ có 140 hộ hơn 600 khẩu, người dân chỉ trông vào những sào ruộng khoán, cố lắm cũng chỉ đủ ăn, đâu có tiền để tôn tạo di tích khang trang. Hơn nữa cùng là đất phát tích của hai cuộc khởi nghĩa nhưng đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn (Hà Tây) và Mê Linh (Vĩnh Phúc) đều được Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí dựng đền với quy mô lớn, còn đền Bà Triệu ở dưới chân núi Nưa từ lâu lại bị rơi vào quên lãng. Nên chăng, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Cục Bảo tồn di sản Bộ VH-TTcần bàn và phối hợp lập kế hoạch từng bước tôn tạo di tích đền Bà Triệu ở xã Trung Thành cho xứng với tầm của lịch sử.

Trần Văn Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dựng đền thờ Bà Triệu xứng với tầm lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.