Đời sống

Đừng để tiền mất, tật mang

Kim Vũ 05/07/2023 - 06:57

Gần đây, Báo Hànộimới liên tiếp nhận được phản ánh của bạn đọc về việc họ là nạn nhân của sự tắc trách, thiếu chuyên nghiệp của một số thẩm mỹ viện. Để lôi kéo khách hàng, các cơ sở này liên tục quảng cáo, chào mời chăm sóc da miễn phí, rồi dụ khách hàng vào “ma trận” làm đẹp, nhưng khi khách hàng có biến chứng thì tìm cách thoái thác trách nhiệm. Bởi vậy, nhiều người phải mất thêm tiền nếu không muốn mang sẹo, tật suốt đời.

phauthuat-thammy.jpg
Chị em nên đến các thẩm mỹ viện có uy tín, được cấp phép để có được kết quả như mong muốn. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật thẩm mỹ tại Khoa Phẫu thuật và điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108).

Thảm họa thẩm mỹ

Nghe theo lời quảng cáo đầy “mật ngọt” của một thẩm mỹ viện trên địa bàn phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), chị N.T.T ở phường Quảng An (quận Tây Hồ) đăng ký thực hiện phương pháp nâng ngực đệm mô lipid, được giới thiệu là không xâm lấn, thời gian thực hiện nhanh và chi phí rẻ, chỉ 5 triệu đồng. Thẩm mỹ viện này cam kết không dùng thủ thuật, không can thiệp dao kéo, chỉ tác động bên ngoài để kích các mô mỡ phát triển. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhân viên đã tiêm hóa chất vào ngực chị T. Khi chị yêu cầu cung cấp thông tin về chất lỏng đã tiêm thì họ từ chối với lý do: “Sản phẩm độc quyền, không thể tiết lộ”. Hậu quả là sau 2 tuần, chị T. cảm thấy ngực có 2 khối cứng bất thường.

Chung cảnh ngộ, chị H.T.M ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cũng là nạn nhân của thảm họa trên khi phát hiện có nhiều khối hỗn hợp dịch bất thường trong tuyến ngực. Rất may, chị sớm phát hiện và đến Bệnh viện Hà Thành để làm phẫu thuật lấy khối dịch đó ra khỏi ngực.

Trường hợp bà Nguyễn Thị N. ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) cũng “dở khóc dở cười”. Tháng 7-2022, bà đến một thẩm mỹ viện tại phố Trương Công Giai (quận Cầu Giấy) để làm lông mày tự thân. Khi đến nơi, các nhân viên đã dụ dỗ bà N. mua gói 17 triệu đồng để “đẹp hoàn hảo” và được bảo hành vĩnh viễn, trả góp không lãi suất. Bà N. đóng trước 7 triệu đồng và trả góp 10 triệu đồng. Tuy nhiên, 1 tháng sau lông mày của bà trụi dần và để lại sẹo rất to. Bà yêu cầu thẩm mỹ viện xử lý nhưng chỉ nhận được lời mời chào thay đổi sang gói dịch vụ làm đẹp khác... Vết sẹo của bà ngày càng dày lên, khuôn mặt biến dạng. Đáng nói, bà luôn bị các đối tượng lạ gọi điện đòi tiền nợ hằng tháng, với những lời đe dọa khó nghe.

Cần tỉnh táo để tránh bị lừa

Chia sẻ với Báo Hànộimới về vấn đề này, ThS.BS Trần Anh Tuấn, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Hà Thành) cho biết, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca thẩm mỹ hỏng, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân. Trong đó, giữa tháng 6-2023, có 2 trường hợp đến bệnh viện “chữa cháy”, với tình trạng lâm sàng và siêu âm có nhiều khối hỗn hợp dịch bất thường trong tuyến ngực... Các bác sĩ khuyến cáo, khối cứng tại ngực bệnh nhân có thể bị áp xe, khi đó sẽ phải mổ rạch tháo mủ, để lại nhiều sẹo mổ. Hoặc bệnh nhân có thể bị viêm mạn tính, các khối cứng trong ngực sẽ xơ hóa trong tổ chức vú. “Các bệnh nhân không nên tin theo quảng cáo cải thiện vòng một mà không phải phẫu thuật. Thực tế, chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng huyết tương PRP hoặc bằng mỡ lấy từ máu. Do vậy, các khách hàng tuyệt đối tránh ham rẻ mà đồng ý đưa các chất lạ vào cơ thể, dẫn đến không tương thích thải loại, nhiễm trùng”, ThS.BS Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, chị em nên trang bị kiến thức cơ bản về các phương pháp làm đẹp; cần tìm đến các trung tâm có uy tín, được cấp phép của Bộ Y tế để có được kết quả như mong muốn. Đặc biệt, khách hàng đừng ham rẻ, tin vào các công nghệ được giới thiệu là mới nhưng lại thực hiện ở các cơ sở không uy tín, để rồi “tiền mất tật mang”.

GS.BS Trần Thiết Sơn - Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thành phố Hà Nội cũng cho biết, các thẩm mỹ viện “chui” quảng cáo trên các trang mạng xã hội nhiều nhưng chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, thiếu chế tài xử phạt. Nhiều cơ sở sau khi bị phạt lại thay tên, đổi chủ để né tránh và tiếp tục vi phạm. Do đó, về lâu dài, cần có cảnh báo, tuyên truyền nhiều hơn về biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng khối cơ sở y tế công, khối làm thẩm mỹ có giấy phép và công khai những cơ sở không được cấp phép để mọi người phòng tránh.

Dù gần đây, Sở Y tế Hà Nội liên tiếp đình chỉ hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ không phép, nhân viên không có bằng cấp về y tế; song Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thành phố Hà Nội cho biết, hiện có hàng nghìn cơ sở thẩm mỹ hoạt động dưới vỏ bọc spa, các cửa hàng chăm sóc da nhưng thực chất bên trong lại là phòng phẫu thuật thẩm mỹ. Thực tế, đã từng có vụ việc khách hàng tử vong sau khi thực hiện thẩm mỹ tại cơ sở “chui”. Hoặc nhiều nạn nhân sau khi phẫu thuật thẩm mỹ gặp tai biến mà nguyên nhân là do làm đẹp tại các cơ sở chất lượng kém, mạo danh Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bạch Mai... Do đó, các khách hàng cần hết sức tỉnh táo để tránh bị lừa đảo, tốn kém mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến sắc đẹp và sức khỏe.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng để tiền mất, tật mang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.