(HNM) - Sáng thứ hai (7-5), một đôi nam nữ vào một gian hàng bán đồ gốm ở làng nghề Bát Tràng mua bộ tranh tứ quý bằng gốm với giá 2 triệu đồng. Cùng lúc ấy, một phụ nữ trung niên, ăn vận theo kiểu của người Nam bộ bước vào. Cũng vào hỏi mua bộ tranh tứ quý cùng loại tranh đôi nam nữ vừa chọn. Người bán hàng đưa ra mức giá 2,5 triệu đồng. Người phụ nữ Nam bộ ngạc nhiên:
- Sao tôi thấy có người vừa mua cũng bộ này, giá chỉ có 2 triệu đồng?
- Nhưng bộ này đẹp hơn mà bác - nam thanh niên bán hàng chống chế.
- Này cháu - một người đàn ông đứng bên lên tiếng - bác ở đây chứng kiến từ đầu, bộ tranh mà cháu bán vừa rồi cũng như bộ này thôi. Có phải cháu thấy bác gái đây là khách phương xa nên đẩy giá lên phải không?
- Cháu, cháu… người bán hàng ấp úng.
Người đàn ông nói tiếp, giọng nhỏ nhẹ:
- Làm ăn kinh doanh cần phải công bằng, mọi khách hàng vào đây đều phải được đối xử như nhau. Đó vừa là cái tâm của người kinh doanh, vừa thể hiện lòng hiếu khách của người Thủ đô ta, cháu ạ.
Anh thanh niên lúng túng xin lỗi người khách miền Nam, tuy nhiên cuộc mua bán đã không thành.
Chứng kiến câu chuyện trên, anh Bùi Trí Dũng ở Thạch Bàn (Long Biên) viết thư gửi Người Xây Dựng, bày tỏ: Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều địa điểm du lịch, làng nghề thu hút rất đông khách thập phương về tham quan. Việc phân biệt đối xử với khách phương xa, nhất là trong hoạt động kinh doanh đang làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, hiếu khách và cũng là đánh mất chính mình. Mong sao mọi người đừng vì lợi ích cá nhân mà làm mất đi những giá trị cao quý mà lớp lớp người dân Thủ đô đã dày công xây dựng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.