(HNM) - Trong lịch sử loài người, khi người nào muốn làm đúng bổn phận tức là người đó có lòng tự trọng và khi sự xác định bổn phận làm người ở họ vừa đúng vừa trong sáng, họ mới biết đau trước nỗi đau thiên hạ.
Nói đến chuyện bổn phận, ta không thể không nhắc tới những tư tưởng lớn đã vượt qua mọi thời đại để trở thành giá trị sống của mỗi con người.
Trước tiên xin nói về Nho giáo. Ngoài sự bảo thủ, trì trệ làm xã hội đi chậm so với lịch sử phát triển của nhân loại thì Nho giáo có những giá trị khó mất đi, bởi nó gắn với đạo làm người.
Với Nho giáo, người quân tử phải biết bổn phận của mình trước tiên chính là tu thân. Có tu thân tốt mới nghĩ đến chuyện tề gia, trị quốc. Nhưng tu thân như thế nào cũng đâu có dễ, khi tự ta không biết chính tâm. Tâm có chính, có ngay thẳng, luôn biết nghĩ đến điều thiện, việc thiện; biết vượt lên trong mọi gian khó để chọn phương pháp ứng xử phù hợp; biết lo trước thiên hạ mà vui sau thiên hạ; biết sửa mình mà lại biết trọng người... như cái chính ấy luôn phải bắt đầu từ sự thành ý.
Nho giáo cũng dạy rằng, muốn chính tâm phải cách vật. Cách vật là yêu cầu phải thấu hiểu bản chất cùng quy luật vận động của mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội, khi ta tiếp cận và lý giải. Sự cách vật ấy sẽ giúp ta có được phương pháp ứng xử phù hợp, thúc đẩy quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng theo hướng đem lại hiệu quả tích cực và phù hợp với quy luật vận động. Điều ấy nói thì đơn giản, nhưng cách được vật lại phải trí tri. Trí tri có nghĩa là phải hiểu biết từ con người đến các hiện tượng, sự vật của đời sống tự nhiên và đời sống xã hội một cách đầy đủ nhưng ở mức sáng suốt và thông tuệ. Nói tất cả những điều ấy, với những yêu cầu rất khắt khe ấy, để thấy rằng với người chính nhân quân tử, sự tu thân là cả một quá trình học tập, rèn luyện để vượt lên mà thực hiện cho tốt bổn phận - nghĩa vụ của một con người đối với gia đình, dòng tộc, quốc gia, dân tộc.
Nho giáo dạy con người dù làm gì, ở đâu vẫn phải luôn nhớ: nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ. Nhập tắc hiếu ấy là việc ở nhà hay trong dòng tộc, tôn ti trật tự phải được giữ cho bền vững. Cha phải ra cha, con phải ra con; chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ; rồi anh em cũng phải ra anh em. Cái nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cũng phải được giữ gìn ngay từ chính mỗi gia đình, dòng tộc. Hãy ngẫm một ý khi mà giáo lý ấy đòi hỏi: phụ phụ, tử tử. Đòi hỏi ấy chính là yêu cầu khắt khe đến ngay cả với cha cũng phải ra cha; nhưng với con lại phải luôn xử sự đúng đạo làm con. Ngay chuyện "xuất tắc đễ", suy cho cùng bây giờ Pháp lệnh Công chức quy định đến mấy chục điều. Cái xuất tắc đễ ấy dạy cho mỗi con người phải biết và xử sự cho đúng đạo, rằng ở ngoài đời, nếu coi ai là anh, là em, là người thân như trong gia đình mình, cũng phải biết xử với họ cho "anh ra anh, em ra em" đấy. Hơn nữa, cái đễ ấy cũng dạy con người phải biết rằng, xã hội có tôn ti trật tự của xã hội; đừng nghĩ mình hơn người một chút đã coi thường nguyên tắc, coi thường pháp luật. Với những người chọn cách ứng xử như thế, ngay cả văn hóa sống của họ đã có vấn đề rồi, nói gì đến thực hiện nghĩa vụ và bổn phận.
Cũng lại nói về bổn phận, tuy Nho giáo có cái nhìn hạn chế về phụ nữ, nhưng những phẩm chất cần có mà Nho giáo yêu cầu với họ, để họ luôn thực hiện xuất sắc bổn phận làm vợ, làm mẹ, thực sự là bộ tiêu chí hoàn hảo mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong đạt được. Công, dung, ngôn, hạnh không thể từ trên trời rơi xuống. Điều ấy cũng phải là cả một quá trình học và hành, rồi tự vượt lên không biết bao nhiêu khó khăn, trở ngại để gắng mà gìn giữ gia phong, gia đạo, truyền cho con cháu niềm tự hào về gia đình, dòng tộc, quê hương... để chúng có ý chí mà học hành, mà rèn luyện và phấn đấu.
Thiên Chúa giáo cũng coi trọng chuyện bổn phận. Các giáo lý trong Kinh thánh từ cuốn Cựu ước với 5 sách Mai Sen, 16 sách lịch sử, 7 sách vần thơ và khôn ngoan, 18 sách tiên tri, đến cuốn Tân ước gồm 4 sách phúc âm, các thư của Thánh tông đồ, Thánh Phao Lồ, luôn dạy cho mỗi người cái bổn phận làm người dù ở bất kỳ vị trí nào. Ví như trong sách giảng dạy, phần con cái phải thảo kính cha mẹ, viết: "Vì Chúa dạy con cái phải tôn kính cha mình, ai mến yêu cha mình thì được tha tội, ai thảo kính mẹ mình khác nào người thu tích được một kho báu" (Kinh Thánh - Tòa Tổng giám mục Hà Nội 1985 - trang 1273).
Với Phật giáo, tư tưởng từ bi hỷ xả không chỉ đem lại cho mỗi con người niềm an lạc trong bể khổ cuộc đời, mà lời răn dạy của đức Phật với con người "Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu", phải chăng chính là lời dạy về đạo làm con, với bổn phận luôn biết giữ chữ hiếu. Thậm chí, lời dạy "Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình" mà Phật chỉ cho chúng sinh, đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa rộng lớn, để mỗi người trong từng vị trí tại gia đình hay ngoài xã hội, ở vào mỗi thời điểm, hoàn cảnh, sự vật hiện tượng khác nhau, phải biết rõ bổn phận mình ở đâu để tìm cho ra câu trả lời thích hợp. Giáo lý Phật giáo cho rằng, con người phải từng bước gột rửa bớt cái phần tham, sân, si đã nhuốm vào mình ngay từ bé; để cũng tự mình tìm đến với ngũ giới mà xa dần những thói hư tật xấu như: trộm cắp, tà dâm, say rượu... Phật cũng dạy rằng: "Sai lầm lớn nhất của đời người là tự đánh mất mình". Cái sự nhận ra việc tự đánh mất ấy cũng chính là trách nhiệm mà mỗi người cần luôn tự nhắc mình.
Bổn phận, trách nhiệm là giá trị sống của con người. Với người cán bộ, đảng viên càng phải ý thức rõ hơn hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, vừa phải thực hiện đạo đức công dân, vừa phải thực hiện đạo đức người cán bộ cách mạng. Người viết: "Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân". Người khẳng định: "Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, phải nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân". Về bổn phận, trách nhiệm người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Người cán bộ được giao việc gì, dù to hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải tận tâm làm đến nơi đến chốn, tự giác làm cho tốt; phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân là phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, phải tận tâm, tận lực phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Xin trở lại với đời sống xã hội hiện nay.
Nếu nhìn từ "Sự kiện Tiên Lãng", cách xử lý vụ việc của một số vị lãnh đạo huyện vừa qua có vẻ như họ đã tự coi mình như "phụ mẫu chi dân" dưới thời phong kiến. Chính cái ý thức sai lệch ấy đã dẫn đến quan niệm về bổn phận sai lạc không chỉ ông Lê Văn Hiền (cựu Chủ tịch UBND huyện), mà còn với nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý khác ở Hải Phòng trong cách đối xử với dân và với lãnh đạo cấp trên.
Dù là xã hội Việt Nam hiện đại, hội nhập quốc tế thế nào chăng nữa thì khi ngay từ gia đình, mỗi thành viên không tự ý thức được bổn phận của mình phải làm gì, sẽ được đứng ở vị trí nào, thì làm sao gia đình còn nền nếp, gia phong. Rồi, con người đã không có ý thức giữ gìn, gây dựng, vun đắp cho gia đạo đẹp, bền; không biết tự hào về dòng tộc mình mà phấn đấu vươn lên, làm sao có thể hy vọng những con người ấy có chí hướng mà xây dựng một xã hội tốt đẹp, có kỷ cương, nhưng đầy ắp đạo lý.
Dù là cởi mở, dân chủ thế nào mà khi pháp luật không được thượng tôn, khi kỷ cương, kỷ luật ở mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị không được tôn trọng thì cũng có nghĩa bổn phận của nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã không được duy trì nghiêm túc. Như thế sẽ không có nền tảng sức mạnh để chúng ta xây dựng một xã hội dân chủ, phát triển. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mà không làm đúng bổn phận, trách nhiệm của mình trong cơ quan, đơn vị thì đừng nói đến những điều to tát như vì đất nước, vì nhân dân! Mỗi cán bộ, đảng viên hãy suy ngẫm thật nghiêm túc về giá trị đạo đức truyền thống và hãy suy ngẫm thật nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cán bộ là công bộc của dân" để tu thân! Bổn phận không phải là chuyện cổ tích ngày nay mà là giá trị thật của đời sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.