(HNM) - Chiều 14-11, đến đón con trai đang học lớp 3, chị T. (quận Cầu Giấy) rất buồn vì cô giáo thông báo môn Tập làm văn của con bị điểm thấp.
Đợi cả nhà ăn cơm tối xong, chị T. mới gọi con vào phòng riêng, nhẹ nhàng hỏi:
- Con hãy nói thật cho mẹ biết tại sao con lại bị điểm 4 môn Tập làm văn? Đề bài khó quá hay sao?
Cậu con trai lí nhí: - Cô giáo ra đề bài là "Các em hãy tả về bà mình. Bà nội mất rồi nên con tả bà ngoại…
- Thế con tả bà ngoại thế nào, kể cho mẹ nghe.
- Con tả bà ngoại em hằng ngày vẫn đi làm bằng xe máy, bà đọc báo không cần dùng kính, da bà vẫn hồng hào… Nhưng cô giáo lại nói với chúng con là miêu tả bà thì không như vậy. Bà đã già rồi thì phải là tóc bạc trắng, lưng còng, chống gậy, bước đi khó nhọc…
Chị T. không trách móc cậu con trai nữa. Hôm sau, chị đem câu chuyện trên kể với cô bạn đồng nghiệp. Cô bạn đó nghe xong liền bảo: Em không ủng hộ cách dạy trẻ tư duy như thế. Em từng nghe một câu chuyện lớp học ở nước ngoài, trong giờ học vẽ yêu cầu các em học sinh vẽ cầu vồng. Trong số các em vẽ cầu vồng với 7 màu sắc thì cũng có em chỉ vẽ được cầu vồng có 3 màu vì em đó chưa được nhìn thấy cầu vồng thật bao giờ, chỉ vẽ theo trí tưởng tượng non nớt của mình, nhưng vẫn được giáo viên khen ngợi.
Qua câu chuyện trên, thiết nghĩ, dạy trẻ không thể quá sáo mòn, khuôn mẫu đến mức khô cứng. Nếu làm vậy, một đứa trẻ không chỉ phải nhận thức, nói, viết sai thực tế mà còn bị làm thui chột trí tưởng tượng, óc sáng tạo của bản thân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.