(HNMO) - Theo thông tin được đăng tải trên tạp chí khoa học Sciencemag của Đức, bằng chứng về việc lây nhiễm vi rút corona chủng mới (nCoV) từ bệnh nhân không có triệu chứng là thiếu xác đáng.
Ngày 30-1 vừa qua, một số tờ báo đăng tin về việc 4 bệnh nhân đầu tiên tại Đức nhiễm nCoV từ một bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.
Theo đó, một nữ doanh nhân từ Thượng Hải đã tới thăm một công ty ở Munich vào ngày 20 và 21-1. Tại đây, nữ doanh nhân này đã có cuộc họp với 4 người Đức. Vào thời điểm diễn ra cuộc họp, bà này không có triệu chứng bị bệnh do vi rút corona. Tuy nhiên, sau đó, cả 4 người tiếp xúc với bà đều cho kết quả dương tính với chủng vi rút này.
Thông tin trên đã làm dấy lên nỗi lo ngại rằng, những bệnh nhân không có triệu chứng nhiễm bệnh vẫn có thể lây lan vi rút cho người khác. Điều này có thể sẽ khiến việc phòng, chống dịch bệnh gặp thêm nhiều khó khăn.
Trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc cũng từng đề cập tới nguy cơ bệnh nhân nhiễm nCoV không triệu chứng vẫn có thể lây bệnh cho người khác, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.
Tuy nhiên, theo Cơ quan y tế công cộng Đức, bằng chứng về việc lây nhiễm từ bệnh nhân không có triệu chứng nói trên là không đúng và các nhà khoa học đã không được cung cấp đầy đủ thông tin về nữ doanh nhân người Trung Quốc trước khi công bố thông tin.
Các nhà chức trách y tế bang Bavaria của Đức đã gọi điện cho nữ doanh nhân Trung Quốc và bà này xác nhận, vào thời điểm tiếp xúc với 4 người Đức, bà cảm thấy mệt mỏi, đau cơ và đã uống thuốc paracetamol để giảm đau, hạ sốt.
Cơ quan y tế công cộng của Thụy Điển cũng cho rằng, việc kết luận vi rút corona chủng mới có thể lây lan từ người bệnh không có triệu chứng là thiếu cơ sở khoa học.
Ông Isaac Bogoch, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto, Canada cũng có cùng quan điểm: “Kể cả khi các triệu chứng của bệnh nhân không rõ rệt, khó có thể kết luận là không có triệu chứng nào. Các nhà khoa học cần cẩn trọng khi nghiên cứu về sự lây lan của loại vi rút này”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.