Tại Việt Nam, dòng nhạc thử nghiệm hiện có một lối đi riêng cho dù với nhiều nghệ sĩ, lối đi ấy không hề bằng phẳng. Bằng tình yêu, tâm huyết của mình, các nghệ sĩ dòng nhạc này đang dày công tìm tòi, thử nghiệm để đưa yếu tố truyền thống hòa vào dòng chảy âm nhạc đương đại. Đó là một minh chứng cho thấy truyền thống vẫn luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo, tạo nên giá trị mới cho âm nhạc đương đại.
Nguồn cảm hứng bất tận
Nhạc thử nghiệm xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1990 với những tác phẩm của các nghệ sĩ tiên phong như Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân…, đa số thể hiện sự phá cách, khó hiểu với nhiều người. Từ đó tới nay, một điểm chung của các nghệ sĩ âm nhạc thử nghiệm như Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, Sơn X, Ngô Hồng Quang, Nguyễn Thanh Thủy… là đều thể hiện tư tưởng hiện đại dựa trên chất liệu truyền thống. Có lẽ, khi chứng kiến những đại diện tiêu biểu của nghệ thuật truyền thống ngày một vơi dần, các loại hình truyền thống ít dần khán giả... thì nỗi âu lo về sự đứt gãy văn hóa ngày một lớn, thôi thúc họ phải làm một điều gì đó nhằm vực dậy nghệ thuật truyền thống, đưa nó trở lại với đời sống đương đại.
Đáng nói là sau gần 30 năm ra đời tại Việt Nam (tạm tính từ năm 1995 khi tác phẩm âm nhạc thử nghiệm của họa sĩ Nguyễn Văn Cường lần đầu tiên ra mắt công chúng Việt Nam tại Viện Goethe Hà Nội), dòng nhạc này vẫn luôn là dòng chảy âm thầm và có đội ngũ kế cận.
Gần đây, những nghệ sĩ thuộc thế hệ 9X như Hà Myo, Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Hà Nguyên Long, Ngô Hồng Quang... đã có những sáng tác thử nghiệm có sử dụng yếu tố truyền thống gây được ấn tượng mạnh cho công chúng.
Nhắc đến Hà Myo, công chúng sẽ nhớ đến "Xẩm Hà Nội", một MV âm nhạc thể hiện tình yêu nồng nàn với Hà Nội được nữ ca sĩ trẻ cho ra mắt năm 2021. Đây cũng là lần đầu nghệ thuật hát xẩm truyền thống được kết hợp một cách đầy ăn ý với rap và nhạc điện tử cùng vũ đạo hiện đại, tạo nên một sản phẩm âm nhạc khác lạ, vừa mang nét độc đáo duyên dáng của văn hóa dân gian, vừa có sự tươi mới thời thượng của nghệ thuật hiện đại.
Ngô Hồng Quang dành một tình yêu đặc biệt cho âm nhạc dân gian. Mỗi khi có điều kiện là anh lại đến Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ..., lần theo dòng mạch âm nhạc cổ truyền của các dân tộc, lắng nghe những giai điệu âm nhạc ở chính nơi nó được sinh ra để thấu hiểu và truyền tải chính xác cái hồn của âm nhạc truyền thống vào tác phẩm của mình. Theo Ngô Hồng Quang, mỗi lần đưa tác phẩm hoặc chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam vào không gian âm nhạc mới như jazz, world music hoặc nhạc đương đại phương Tây, anh thấy mình như được hồi sinh, thấy âm nhạc Việt Nam có cơ hội trò chuyện với những nền văn hóa khác...
Ở một chiều cạnh khác, Nguyễn Quốc Hoàng Anh đã ấp ủ gần 10 năm để “LENNGAN” - một đơn vị nghệ thuật tư nhân ra đời với mục tiêu tìm lại những giá trị xưa trong sự kết nối với đương đại qua các MV “Qua cầu gió bay”, dự án “Sơn Hậu - Beyond the Mountain”… Trong chuỗi dự án đó, “Sơn Hậu - Beyond the Mountain” là cuộc dấn thân khác của Hoàng Anh cùng Hà Nguyên Long, đi sâu hơn vào nghệ thuật truyền thống. Họ giữ nguyên tính hình tượng của nghệ thuật tuồng cũng như lối diễn xướng đã tồn tại hàng trăm năm, chỉ thay đổi không gian và âm nhạc với sự xuất hiện của nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm, chủ ý để khán giả lớn tuổi được sống lại phút giây hoài niệm mà người trẻ xem vẫn thấy cuốn hút.
Mới đây, trong buổi thảo luận với chủ đề “Tư duy mở từ truyền thống” diễn ra tại không gian OUR.hanoi, Nguyễn Quốc Hoàng Anh bày tỏ: “Tôi còn khá trẻ nên suy nghĩ của tôi về truyền thống cũng không bị bó hẹp như phải bảo tồn hay giữ nguyên trạng, tôi chỉ nghĩ rằng đó là văn hóa của dân tộc mình và mình muốn làm một cái gì đó để cảm thấy gần gũi với nó. Câu chuyện của mình đưa ra mang tính cá nhân, nếu may mắn nó có thể đến được với nhiều người thì đối với tôi, đó là niềm hạnh phúc”.
Con đường không bằng phẳng
Là một loại hình âm nhạc mới nên đường đến với công chúng của nhạc thử nghiệm rất gian nan. Trong những ngày đầu xuất hiện, khi nhạc sĩ Trần Kim Ngọc chơi đàn tranh nhưng không phải gảy ở dây mà lại "chơi nhạc" ở một vị trí “thừa” của cây đàn, tạo ra dòng âm thanh không rõ cao độ gì..., nhiều người đã sửng sốt, hoài nghi. Năm 2019, tác phẩm “Hanoise” của Vũ Nhật Tân cũng làm công chúng xôn xao khi phát ra thứ âm thanh như thể tạp âm, tương phản với tiếng đàn tranh nhiều day dứt.
Nhiều người, bao gồm cả giới chuyên gia đã mặc định rằng, đã là nghệ thuật truyền thống thì cần phải bảo tồn. Từ quan niệm này, họ “đóng băng” nghệ thuật truyền thống, đề cao tính nguyên bản và sẵn sàng có cái nhìn không thiện cảm khi có người mạnh dạn vượt khỏi nguyên tắc của truyền thống.
Nghệ sĩ Sơn X từng chia sẻ rằng, hồi nhạc thử nghiệm mới phát triển, anh công bố một tác phẩm thử nghiệm có đưa vào đó yếu tố truyền thống và đã bị phản đối mạnh mẽ; giới nghiên cứu cho rằng anh đang “phá” truyền thống...
Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, nhiều khi không phải chúng ta mà chính người nước ngoài, với sự quan sát trong tâm thế của người ngoài cuộc mới phát hiện ra vẻ đẹp tinh túy của truyền thống, điều khiến chúng ta, những người trong cuộc phải ngạc nhiên. Rằng chúng ta nên tự hào vì “kho” truyền thống giàu có mà chúng ta đang sở hữu, bao gồm những giá trị văn hóa tốt đẹp, các phong tục tập quán, các thể thức ca dao hò vè, nền âm nhạc truyền thống phong phú đa dạng... Đó là những chất liệu quý để đưa vào các tác phẩm thử nghiệm. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức còn chỉ ra một nguyên nhân nữa, đó là hiện nay giáo trình dạy âm nhạc trong các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đa số đều dùng hoặc được soạn dựa trên các chương trình giáo dục phương Tây. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tư duy và thẩm mỹ nghệ thuật của thế hệ trẻ, những nghệ sĩ sáng tác, trao truyền âm nhạc truyền thống trong tương lai...
Hướng tới một diện mạo nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt
Sự kết hợp qua lại giữa các yếu tố hiện đại và truyền thống trong âm nhạc không những khiến mỗi loại hình trở nên mới mẻ hơn, mà còn mở ra xu thế của tương lai, hướng tới một diện mạo nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt. Song, con đường này không dễ đi, bởi trên thực tế, không phải bất cứ sự kết hợp nào cũng tạo nên những tác phẩm hoàn hảo. Dung nạp yếu tố hiện đại không khéo sẽ dễ thành kệch cỡm, khai thác vốn cổ không khéo lại thành phá vỡ truyền thống.
Tuy nhiên, trong bất cứ một xu hướng nào vẫn luôn có những người tiên phong tìm và mở lối. Chia sẻ về cách thức đưa yếu tố truyền thống vào nhạc thử nghiệm, nghệ sĩ Sơn X khẳng định, anh không bao giờ “đóng băng” truyền thống bởi nghệ thuật “không bao giờ đứng im”, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống luôn cần được duy trì và tiếp nối. Còn Hà Nguyên Long, với cách nhìn của một người trẻ, tâm sự rằng sau khi xem nhiều loại hình nghệ thuật của phương Tây như opera, kịch nói…, anh mang một thắc mắc là tại sao ở phương Tây người ta không gọi opera là nghệ thuật truyền thống trong khi lịch sử tồn tại của nó kéo dài hàng trăm năm. Anh cho rằng, đó là vì opera vẫn còn được trình diễn liên tục cho đến tận ngày nay và đối tượng khán giả của opera gồm cả người trẻ. Những vở opera mà anh xem không hề thể hiện nội dung và bối cảnh cách đây hàng trăm năm mà ngồn ngộn hơi thở cuộc sống mới. Và, có lẽ, đó chính là cách mà người phương Tây nuôi dưỡng, tiếp nối âm nhạc truyền thống của họ. Họ đã phân tách opera thành những gì căn bản nhất, sử dụng những yếu tố cơ bản đó để sáng tác những tác phẩm mới. Âm nhạc truyền thống không mất đi, mà sống dậy trong hình hài mới. Từ nhận thức này, anh tự xác định cho mình một hướng đi, đó là tìm hiểu nghệ thuật truyền thống từ những yếu tố cấu thành nhỏ nhất, định dạng được nó rồi mới tìm cơ hội để phát triển nó.
Với Nguyễn Quốc Hoàng Anh, truyền thống nếu chỉ để bảo tồn, các giá trị sẽ chỉ còn trong bảo tàng, thư viện, vì thế, đưa truyền thống vào nhạc thử nghiệm không phải là phá truyền thống mà là mở ra một con đường dễ tiếp cận hơn với cuộc sống đương đại. Những giá trị cơ bản của nghệ thuật truyền thống vẫn được giữ lại, anh chỉ sử dụng nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm… để yếu tố truyền thống phù hợp hơn với đời sống đương đại. Trong tác phẩm thử nghiệm, khán giả vẫn nhận ra đầy đủ những nét đặc trưng của truyền thống, nhưng là một truyền thống mới, một truyền thống được khai mở, tiếp biến phù hợp với hôm nay và mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.