(HNMCT) - Từ nền cốt là những bức tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh), một số họa sĩ đương đại đã có sáng tạo mới, mở thêm cánh cửa cho các giá trị văn hóa xưa hội nhập đời sống đương đại đồng thời tìm cơ hội vươn ra thị trường thế giới.
1. Bùi Thanh Tâm, một họa sĩ thế hệ 7x, năm qua đã gây bất ngờ với công chúng khi trưng bày triển lãm Không có gì ở đằng sau tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bất ngờ, bởi khi đứng trước những tác phẩm của Tâm, người ta được nhìn ngắm và suy nghĩ về một con đường, một sự lựa chọn khá can đảm của một cá tính hội họa. Nếu không can đảm và đầy cá tính, tức là chấp nhận sự đối thoại, chấp nhận ý kiến đa chiều, người họa sĩ sẽ lựa chọn lối đi an toàn hơn. Nhưng Bùi Thanh Tâm đã trưng ra một phong cách mang dấu “vân tay” của mình. Vẫn các họa tiết của những bức tranh Hàng Trống quen thuộc như Lý ngư vọng nguyệt, Chim công, Ngũ hổ..., hay tranh lợn, tranh gà nổi tiếng của làng tranh Kim Hoàng nhưng qua tác phẩm của Bùi Thanh Tâm, đa phần có kích thước lớn, người xem như được dẫn vào một câu chuyện khác, một không gian khác.
Bùi Thanh Tâm từng trưng bày 6 triển lãm cá nhân, và đây là lần thứ ba ở trong nước. Nếu không có đại dịch Covid-19, rất có thể những bức tranh trong Không có gì ở đằng sau cùng một số tác phẩm khác của anh đã xuất ngoại suôn sẻ và nằm yên trong những bộ sưu tập ở nước ngoài.
Cũng lấy cảm hứng từ các dòng tranh dân gian, mà cụ thể là tranh Hàng Trống, 26 sinh viên học sơn mài và lụa của khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, với sự hướng dẫn của hai giảng viên Triệu Khắc Tiến và Nguyễn Thế Sơn đã có những sáng tạo riêng để bắt đầu một hành trình mới nhằm viết tiếp những giá trị quý giá mà các thế hệ đi trước đã tạo dệt, gửi gắm qua các dòng tranh dân gian.
Bắt gặp ở dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” này những tác phẩm lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống nhưng được nhìn qua lăng kính của những người trẻ. Cô nữ sinh Nguyễn Thị Cẩm Nhung vẽ tác phẩm Rọi về ký ức với sự kết hợp của đèn và lụa để hướng người xem trở về với truyền thống, khơi mở lại văn hóa dân gian qua những hình ảnh quen thuộc của các tranh Thầy đồ cóc, Đám cưới chuột, Cá chép vượt vũ môn. Còn Xuân Lam, Trần Két, Cẩm Nhung, Như Quỳnh, An Nguyễn... đã phá cách để tạo nên dấu ấn riêng khi sử dụng nhiều chất liệu khác với giấy dó, phẩm màu mà các nghệ nhân tranh Hàng Trống quen dùng suốt hơn 400 năm qua. Ta gặp những bức tranh Ngũ hổ, Ông Ba mươi, Cá chép trông trăng, Thầy đồ cóc, Tố nữ... trên các chất liệu sơn mài, lụa, thậm chí được in phun và cắt CNC kết hợp giấy dó bồi trên gỗ...
2. Kế thừa, khai thác yếu tố dân tộc để tìm cho mình lối đi riêng là điều đã được nhiều bậc thầy hội họa thực hiện. Mỗi người ít nhiều tạo ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, như họa sĩ Bùi Thanh Tâm quan niệm, trí tuệ, kiến thức, tài năng đã giúp họ biết cách đưa văn hóa dân tộc vào sáng tạo, nâng lên thành nghệ thuật mới, tạo nên những tác phẩm độc lập có thể song hành cùng thời gian, thậm chí lọt vào danh sách tác phẩm mỹ thuật hàng đầu thế giới.
“Lý do để nhiều tên tuổi lớn tìm về chất liệu dân gian đơn giản bởi đó chính là yếu tố làm nên giá trị một dân tộc, hay một vùng đất” - họa sĩ Bùi Thanh Tâm nói. Anh cũng cho rằng, châu Á còn nhiều điều huyền bí với thế giới, chính bởi vậy, yếu tố dân tộc được quan tâm nhiều trong thời điểm hiện tại.
Với nhận định đó, Bùi Thanh Tâm cũng như một số họa sĩ trẻ đã lựa chọn những giá trị truyền thống đã được sàng lọc, định danh làm căn cốt, từ đó tiếp tục sáng tạo, làm nên những tác phẩm có phong cách riêng.
Ý thức tạo ra con đường cho mình xuất hiện ở Bùi Thanh Tâm từ rất sớm. Vì thế, anh dấn thân và dần hình thành tiếng nói nghệ thuật riêng, hướng tới thị trường nước ngoài. Bùi Thanh Tâm đã biến những dòng tranh quen thuộc trở nên mới lạ, hấp dẫn và mang tính đương đại. Các tác phẩm Cõi nhân gian, Vũ trụ, Chiến tranh I, II, III... cho thấy năng lực sáng tạo từ chất liệu truyền thống dường như không giới hạn. Qua tranh của mình, Bùi Thanh Tâm muốn người xem thấy yếu tố dân gian và cả những yếu tố đương đại, nghĩa là hội họa dân gian song hành cùng hội họa hiện đại.
Cũng từ điểm nhìn này, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giám tuyển của dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” cho rằng, bằng việc trưng bày những tác phẩm lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống, nhóm thực hiện muốn nối một sợi dây giữa truyền thống với hiện đại, để những giá trị xưa được các nghệ nhân dân gian xưa sáng tạo tiếp tục hiện diện trong đời sống hôm nay.
Lấy chính chất liệu truyền thống khác là lụa và sơn mài để đối thoại với tranh dân gian Hàng Trống được vẽ trên giấy dó là một cuộc đối thoại nghệ thuật độc đáo. Nó cho thấy khả năng sáng tạo là không giới hạn. “Trong năm mới Tân Sửu, chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp với nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - người khởi xướng khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng - để đưa dòng tranh dân gian độc đáo của Hà Nội lên những chất liệu như sơn mài, lụa...” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tiết lộ.
Bùi Thanh Tâm và các họa sĩ, sinh viên mỹ thuật kể trên, tuy khác thế hệ, người đã có danh, người đang lập danh, nhưng ở họ có điểm chung: Cùng dựa vào truyền thống để phát triển. Bằng sức sáng tạo, họ đã tìm cho tranh dân gian một con đường mới, góp phần đưa những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung để bước vào đời sống đương đại, thậm chí bước ra và đối thoại với nghệ thuật đương đại thế giới.
"Những làng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ hay các làng nghề thủ công truyền thống làm vàng, bạc... đã có từ lâu đời, trở thành những biểu tượng văn hóa dân gian Việt Nam. Tôi chỉ thực hành việc chắp ghép tất cả những gì tinh túy, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ, phát triển, đưa chúng vào “một định dạng mới” trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại".
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.