(HNM) - Thanh Oai phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, đến năm 2030 trở thành quận phát triển của Thủ đô. Với lợi thế về làng nghề và nông nghiệp, Thanh Oai đang phát huy nguồn lực để xây dựng đô thị sinh thái... Đó là những nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng và phóng viên Báo Hànộimới.
- Lộ trình phát triển của Thanh Oai đến năm 2025 và xa hơn là năm 2030 như thế nào, thưa ông?
- Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện; tập trung nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thành và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển đến năm 2025. Theo đó, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, bảo đảm thu - chi ngân sách; các công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển các cụm công nghiệp, khu đô thị theo quy hoạch bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cơ bản không còn hộ nghèo. Huyện phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao với nền nông nghiệp hiện đại; đồng thời phát triển các khu đô thị xanh; đến năm 2030, xây dựng thành đô thị sinh thái văn minh mang đặc thù địa phương dựa trên nền tảng phát triển của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại...
- Thuận lợi và khó khăn của Thanh Oai khi triển khai mục tiêu trên là gì, thưa ông?
- Thanh Oai là huyện giàu truyền thống cách mạng, có vị trí địa lý thuận lợi, liền kề nội đô; quy hoạch của huyện và các xã, thị trấn được bổ sung, hoàn chỉnh; hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư và kết nối; nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực của địa phương dồi dào, chất lượng khá; nhiều ngành nghề tương đối phát triển; tình hình chính trị - xã hội ổn định; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị không ngừng được đổi mới, kiện toàn, đội ngũ cán bộ trẻ được tăng cường, tạo môi trường thu hút đầu tư và là động lực phát triển mới... Đây là những điều kiện tốt để Thanh Oai sớm "cán đích". Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Thanh Oai còn nhiều khó khăn như: Sản xuất nông nghiệp manh mún, giá trị sản xuất thấp, năng suất lao động chưa cao; các cụm công nghiệp còn nhỏ lẻ, dàn trải; đô thị phát triển chưa có tính chiến lược, chưa phù hợp lợi thế của địa phương giáp ranh với các quận, ngoài Vành đai 3, trong đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…
- Vậy, giải pháp trọng tâm được xác định ra sao, thưa ông?
- Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, quy hoạch được coi là giải pháp then chốt, có tính quyết định. Dựa trên căn cứ quy hoạch phát triển, huyện đầu tư và triển khai đồng bộ từ hạ tầng giao thông đến chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Về quy hoạch vùng, huyện phải đáp ứng yêu cầu tiêu chí quận đô thị sinh thái, thương mại - dịch vụ kết hợp công nghiệp trong tương lai. Đặc biệt, huyện chú trọng bảo tồn, phát huy, khai thác văn hóa lịch sử lâu đời gắn với du lịch; phát triển nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp…
Trên nền tảng lợi thế, Thanh Oai xác định lấy trục quốc lộ 21B và đường Cienco5, Vành đai 4 là động lực phát triển, từ đó, quy hoạch, đầu tư thêm các trục đường. Từ trục đường ngang trở lên phía Bắc, huyện chú trọng phát triển đô thị, đô thị sinh thái, thương mại dịch vụ. Từ trục ngang trở xuống phía Nam, huyện phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch kết hợp nông nghiệp sinh thái. Khi hình thành đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Thanh Oai mong muốn được xác định ngay các nội dung mới như phát triển một số khu đô thị dọc theo tuyến đường này, Khu đô thị Cao Viên, các điểm dân cư nông thôn, bãi đỗ xe tĩnh, vườn hoa, hệ thống khu vui chơi, thể dục - thể thao; các dịch vụ logistics, bệnh viện, khu thương mại dịch vụ giới thiệu sản phẩm làng nghề...
Về định hướng tổ chức không gian đô thị, các điểm dân cư được huyện quy hoạch theo 5 vùng: Vùng phát triển khu vực ven tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và ven đường trục phát triển phía Nam là đô thị sinh thái - dịch vụ; Vùng phát triển mở rộng đô thị Kim Bài hình thành khu vực hỗn hợp đô thị - trung tâm huyện; phát triển khu vực Dân Hòa, Phương Trung thành đô thị sinh thái; tiếp tục hoàn thiện Khu đô thị Bắc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; bảo vệ và nâng cấp các điểm dân cư nông thôn tồn tại theo quy hoạch.
Đặc biệt, để phát triển Thanh Oai thành quận đô thị xanh, huyện ưu tiên phát triển văn hóa xanh, năng lượng xanh, giao thông xanh, kiến trúc xanh, cảnh quan xanh, môi trường xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn… Song song với đó, Thanh Oai sẽ chú trọng phát triển công viên, tổ hợp vui chơi, giải trí quy mô lớn gắn với cảnh quan dọc sông Đáy, đưa khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn của người Hà Nội và các địa phương khác.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.