Thị trường

Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn người tiêu dùng

Lam Giang 26/12/2023 - 16:18

Số điểm bán sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) gần như đã phủ khắp cả nước. Qua các kênh tiêu thụ đa dạng, một số sản phẩm OCOP đã xuất khẩu ra thế giới.

Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm, phương thức quảng bá cần được đổi mới, nâng cao, để sản phẩm OCOP đến gần hơn người tiêu dùng.

Đây là nội dung chính của tọa đàm “Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26-12, tại Hà Nội.

26.12-toa-damtoan-canh-2-1-.jpg
Các diễn giả tham gia tọa đàm.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP đã có bước tiến đáng kể. Đến giữa tháng 12-2023, cả nước có 11.054 sản phẩm OCOP, với chất lượng, mẫu mã ngày càng được cải tiến.

Sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng khắp cả nước, vào các kênh phân phối hiện đại, sàn thương mại điện tử và nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra thế giới. Các sản phẩm trở thành "đại sứ" giới thiệu Việt Nam và đặc sản của Việt Nam với thế giới.

Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, sàn thương mại điện tử Postmart đã đưa khoảng 8.000 sản phẩm OCOP lên sàn.

Trước đây, rất nhiều sản phẩm OCOP là hàng tươi sống khó đến tay người tiêu dùng thì nay Postmart đã kết hợp giữa các phương thức bán hàng, khai thác và vận chuyển đến người dùng.

Tuy nhiên, với lợi thế về giá trị, chất lượng, nét đặc sắc, yếu tố văn hóa bản địa…, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là khi ra thị trường thế giới.

26.12-ocop.jpg
Cần đổi mới phương thức xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, vấn đề mấu chốt là cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới phương thức quảng bá, xúc tiến thương mại.

“Ví dụ, sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ ở Hà Giang hay Yên Bái, cách chế biến trước đây chỉ phù hợp với thị trường trong nước. Khi đưa ra thị trường thế giới phải chế biến thành sản phẩm cao cấp, như hồng trà, bạch trà, hoàng trà, có giá 1,5 triệu, 2 triệu hoặc có thể là 10 triệu đồng để định vị thương hiệu, gia tăng giá trị và phù hợp với xu hướng, nhu cầu”, ông Tiến nêu.

Cùng với đó, người bán nên kết hợp giữa trải nghiệm trực tiếp và livestream giới thiệu sản phẩm. Gắn sản phẩm với câu chuyện văn hóa, truyền thống và nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm để người dùng trải nghiệm, đưa sản phẩm OCOP đi xa hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.