Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Còn nhiều việc phải làm

Ngọc Quỳnh| 07/09/2022 06:25

(HNM) - Việc liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có sàn thương mại điện tử, đã được ngành Nông nghiệp Thủ đô coi là giải pháp góp phần tạo ra những kênh phân phối mới, hiện đại. Đồng thời định vị đúng giá trị thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm… Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để đưa nông sản của thành phố Hà Nội đến tay người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử.

Sản phẩm ổi của Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) đã được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Sơn Minh

Tạo không gian kinh doanh mở

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm cho biết, với 30ha sản xuất, hợp tác xã được các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo cơ hội giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, hợp tác xã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Thời điểm hiện tại, có nhiều nơi phải “giải cứu” ổi với giá chỉ 10.000 đồng/kg nhưng sản phẩm này của hợp tác xã vẫn bán được tại hệ thống cửa hàng tiện ích và các sàn thương mại điện tử với giá 25.000 đồng/kg.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban, tham gia sàn thương mại điện tử, hợp tác xã và người nông dân dễ nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất... Hiện tại, việc bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử góp phần giúp hợp tác xã tiêu thụ 500-700kg rau, củ, quả/ngày; doanh thu đạt 18-20 tỷ đồng/năm.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, năm 2022, Hội Nông dân thành phố và Bưu điện Hà Nội phối hợp rà soát, thu thập thông tin tối thiểu 165.497 hộ sản xuất nông nghiệp giới thiệu và bán nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Agri-postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng…

Còn Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin: Hỗ trợ các đơn vị đưa nông sản sạch lên sàn thương mại điện tử, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (www://check.hanoi. gov.vn) cho 3.135 hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói... với 11.204 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Hỗ trợ nông dân lên sàn thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp... Tuy nhiên, hiện số lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn. Các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận sàn thương mại điện tử nên còn nhiều bỡ ngỡ; việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng; giá bán cũng chưa phù hợp với biến động của thị trường... Mặt khác, việc ứng dụng nền tảng số, bán hàng thông qua phương thức phát hình ảnh trực tiếp (livestream) cũng như cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử… cũng chưa được triển khai thường xuyên.

Từ những hạn chế trên, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương cho biết, các cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng cho các hộ sản xuất…, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó là hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao; sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, nền tảng thương mại điện tử... để nông dân sớm làm chủ được hình thức bán hàng mới trên các sàn giao dịch điện tử.

Theo ông Nguyễn Xuân Lam, thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện thành phố Hà Nội cần rà soát nhu cầu của các hộ nông dân để xây dựng những chương trình ưu đãi, gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp và thiết thực; đồng thời tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử một cách nhanh chóng và thuận lợi.

Tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hợp tác xã, người nông dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn thương mại điện tử.

Đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Còn nhiều việc phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.