(HNM) - Thời gian qua, tình trạng xâm lấn Sông Đáy trên địa bàn hai huyện Quốc Oai và Hoài Đức diễn biến khá phức tạp.
Tràn lan vi phạm
Ngày 12-11, phóng viên Báo Hànộimới có mặt trên bờ hữu Sông Đáy đoạn qua địa bàn xã Yên Sơn (Quốc Oai), chứng kiến dòng sông đang bị xâm lấn nghiêm trọng ngay trước mắt cơ quan quản lý đê điều và chính quyền địa phương. Gần 1km từ cầu Sông Đáy trên Đại lộ Thăng Long ngược lên thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn có hàng chục điểm đổ phế thải, xây công trình phụ lấn sông.
Chỉ tay về phía công trình đang xây dựng dang dở, ông Đỗ Sỹ Tiến, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Quốc Oai - Thạch Thất cho biết: "Đó là trường hợp vi phạm của gia đình ông Chu Quang Tâm ở Đội 6, thôn Sơn Trung. Ông Tâm đã xây dựng công trình phụ có diện tích khoảng 50m2 và đổ phế thải ra phía lòng sông gần 40m2". Cạnh đó là trường hợp vi phạm của gia đình ông Nguyễn Phú Hòa, xây khu chuồng trại nuôi gà với diện tích 150m2 và đổ đất lấn chiếm lòng sông khoảng 100m2... "Khi nhận được phản ánh của nhân dân, Hạt Quản lý đê Quốc Oai - Thạch Thất đã xuống kiểm tra, lập biên bản vi phạm, đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật đê điều đối với hai trường hợp này" - ông Tiến cho biết.
Làm nhà, đổ phế thải lấn chiếm Sông Đáy tại xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai nhiều năm vẫn chưa được xử lý. |
Tương tự, bên bờ tả Sông Đáy thuộc địa bàn các xã Vân Côn, An Thượng, Yên Sở, Lại Yên... của huyện Hoài Đức có khoảng 40 trường hợp (thống kê từ năm 2010 đến nay) tự ý đổ đất, xây nhà, trồng cây lấn chiếm lòng sông, cơ đê. Nghiêm trọng nhất là trường hợp vi phạm của hộ ông Nguyễn Thành Sơn, thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn. Đầu tháng 6-2015, ông Sơn thuê máy xúc, máy ủi đắp bờ lấn ra phía sông gần 1.000m2 để làm vườn sinh thái... Tháng 8-2015, UBND huyện Hoài Đức đã có văn bản chỉ đạo xã Vân Côn xử lý giải tỏa. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, đến thời điểm hiện nay, UBND xã Vân Côn mới giải tỏa được phần bờ đất lấn chiếm, còn 5 hạng mục công trình khác trong khu vực vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để?
Chính quyền bất lực
Trao đổi về những trường hợp vi phạm pháp luật đê điều xảy ra trên địa bàn nhưng chưa được xử lý kịp thời, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn (Quốc Oai) cho biết: Do cán bộ chuyên môn mỏng, các hộ dân đã được cấp sổ đỏ, sinh sống lâu đời ở khu vực giáp sông nên không kiểm soát được vi phạm. Hiện nay, UBND xã đã thống kê hiện trạng vi phạm của từng hộ dân để báo cáo UBND huyện Quốc Oai xây dựng kế hoạch xử lý, giải tỏa.
Các trường hợp vi phạm trên địa bàn hai huyện Quốc Oai và Hoài Đức đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng khoản 10, Điều 7; điểm b, khoản 2, Điều 27 Luật Đê điều và Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 về "Phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống Sông Đáy" của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Đăng Tuất, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức khẳng định, quan điểm của lãnh đạo huyện Hoài Đức là cương quyết xử lý, không bao che, dung túng. Thế nhưng có một thực tế là Sông Đáy đã nhiều năm không thường xuyên làm nhiệm vụ chống lũ nên dòng chảy có sự biến đổi, bị bồi lắng khiến người dân chủ quan, xem nhẹ công tác phòng chống lụt bão. Các vị trí xác định mốc giới theo Nghị định 364 biến dạng nên gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ đê điều và làm căn cứ xử lý vi phạm. UBND huyện đã yêu cầu các xã rà soát các vi phạm đê điều và công trình thủy lợi để xây dựng kế hoạch xử lý, giải tỏa. Đối với hộ ông Nguyễn Thanh Sơn và các trường hợp khác dọc Sông Đáy, UBND huyện Hoài Đức sẽ kiên quyết giải tỏa, không làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ dự án nạo vét, cải tạo lòng Sông Đáy đang được TP Hà Nội triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý vi phạm và tuyên truyền cho nhân dân không vi phạm, các địa phương đề nghị sở, ngành liên quan sớm cho tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ Sông Đáy. Đồng thời, có giải pháp xây dựng công trình bảo vệ và bố trí đất tái định cư cho các hộ dân nằm trong hành lang thoát lũ Sông Đáy, ven đê... có như vậy mới xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.