(HNMCT) - Với ước mơ thính phòng đầy ắp khán giả, những người say mê âm nhạc giao hưởng đã gieo rất nhiều những “hạt giống”, hy vọng có thể ươm mầm tương lai cho thể loại âm nhạc kén khán giả này. Chặng đường tìm tòi thể nghiệm dài hơi và đầy vất vả ấy, giờ đây đã gặt hái được những thành quả bước đầu ngọt ngào.
Thêm một thử nghiệm thành công
Cuối tuần qua, khán giả yêu thích nhạc giao hưởng ở Hà Nội đã có hai đêm thưởng thức âm nhạc đầy cảm xúc trong khuôn khổ chương trình Concert of Childhood Memory. Đây là chương trình được khởi xướng từ năm 2016 và đến nay đã có một lượng “fan cứng” khá đông đảo.
Sự hấp dẫn của chương trình đến từ ý tưởng biến âm nhạc trở thành “chiếc cầu thời gian” để người nghe có thể sống lại những ký ức tuổi thơ với những cảm xúc đẹp đẽ, trong trẻo. Sau khi chinh phục khán giả Hà Nội bằng những bản nhạc trong các bộ phim hoạt hình Ghibli nổi tiếng (Studio Ghibli: Hãng phim hoạt hình Nhật Bản), hay những bản nhạc quen thuộc trong loạt phim Harry Potter..., Concert Of Childhood Memory 2019 tiếp tục đồng hành cùng khán giả khám phá sâu sắc hơn về thế giới truyện tranh (anime) của Nhật Bản, thông qua việc lựa chọn trình diễn những bản nhạc từ 2 bộ phim anime hàng đầu là Naruto và One Piece, trong hai đêm diễn tối ngày 4 và 5-7 với chủ đề “Shinsekai - Tân thế giới”.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một dàn nhạc giao hưởng trình diễn các tác phẩm nhạc phim của 2 bộ truyện này. Đêm nhạc khơi gợi nguồn cảm hứng mới về sự trưởng thành thông qua phần đồ họa đặc sắc tái hiện cuộc hành trình đầy thử thách của những nhân vật trong truyện, đã quen thuộc với các độc giả trẻ Việt Nam. Ngay sau đêm diễn, trên fanpage của chương trình, nhiều khán giả đã không tiếc lời khen ngợi. Khán giả có nick Nguyễn Thùy Dương viết: “Đêm nhạc đã thực sự chạm tới tim người xem”.
Còn khán giả Nguyễn Việt Hằng cho rằng dù không xem hai bộ truyện tranh kể trên nhưng đêm nhạc vẫn là đạt tới “đỉnh của đỉnh”, khiến khán giả nhiều lần “nổi da gà” khi thưởng thức... Theo ông Vũ Lê Hoàng, đại diện đơn vị tổ chức, hiện Concert of Childhood Memory đã có quy mô gần 1.500 khán giả, trang facebook của chương trình đã đạt 13.000 lượt thích và rất nhiều lượt tương tác của các bạn trẻ trên cả nước.
Đã có một lớp khán giả mới
Trước Concert Of Childhood Memory, cũng đã có nhiều chương trình được dàn dựng với mong muốn có thể đánh thức ở khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, tình yêu với nhạc giao hưởng, thể loại nhạc vốn được xem là hàn lâm và khó cảm thụ. Có thể kể đến một số chương trình nổi bật như các chương trình hòa nhạc giáo dục của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời (SSO), các buổi biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng trẻ Sài Gòn SPYO, của Dàn nhạc giao hưởng trẻ Maius Philharmonic tại Hà Nội... Bên cạnh đó, nỗ lực để các em nhỏ có thể tiếp cận với các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng, tiếp xúc với âm nhạc cổ điển từng chút từng chút một thông qua những chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi cũng đã tạo những hiệu quả nhất định.
Theo nhạc sĩ Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tín hiệu rõ nhất cho thấy những hoạt động “gieo mầm” âm nhạc cổ điển đã có hiệu quả đó là: Những năm trước, các chương trình hòa nhạc cổ điển phải có tài trợ mới có thể tổ chức được, vì thế, lịch diễn của các dàn nhạc bị động và ngắn hạn, công chúng thì rất thưa thớt. Một tháng có 1 - 2 chương trình là nhiều nhưng hiện giờ hoạt động tiếp thị của ngành Âm nhạc cổ điển đã chuyên nghiệp hơn, có lịch diễn theo mùa, thậm chí Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã có lịch diễn trước 2, 3 năm - hướng đi này theo đúng chuẩn mực của các nhà hát châu Âu. Một tháng có khi có 15 - 20 chương trình.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ còn cho rằng nhạc cổ điển đang phổ cập hơn và trẻ hóa: “Chúng tôi thấy có một lứa công chúng trẻ và văn minh, coi âm nhạc cổ điển như một thực đơn tinh thần không thể thiếu. Hơn nữa, so với trước đây, âm nhạc hàn lâm không bị bó hẹp trong các dàn nhạc giao hưởng và các phòng hòa nhạc tiêu chuẩn nữa”. Đồng tình với quan điểm này, nghệ sĩ violin - Tiến sĩ âm nhạc Chương Vũ cũng nhận định đã có một lớp khán giả mới của nhạc giao hưởng đang được định hình tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các nghệ sĩ, đây mới chỉ là những tín hiệu tích cực chứ chưa hẳn đã mang đến một cái nhìn lạc quan về âm nhạc thính phòng, cổ điển. Theo nghệ sĩ Bùi Công Duy, Việt Nam vẫn duy trì được một lượng khán giả tinh túy, nhưng quá ít so với mặt bằng chung. Vì vậy, để có thể tạo ra một chỗ đứng vững chắc cho âm nhạc cổ điển trong đời sống, chắc chắn nỗ lực từ phía nghệ sĩ là chưa đủ.
“Tôi nghĩ, để có thể thưởng thức dòng nhạc đặc biệt này, chúng ta lại phải quay về câu chuyện giáo dục. Nhạc cổ điển là kho tàng tri thức, văn hóa của nhân loại. Trong nhà trường cũng nên có những chương trình giáo dục âm nhạc cổ điển bắt buộc từ độ tuổi mẫu giáo đến khi vào đại học, để làm giàu có hơn tâm hồn trẻ thơ, giúp các em đề kháng tốt trước những thứ nhạc rẻ tiền, phản nghệ thuật đang được phổ biến tràn lan trên truyền hình và nơi công cộng”. Chia sẻ của nghệ sĩ Bùi Công Duy cũng là mong mỏi chung của những người tâm huyết, muốn đưa âm nhạc bác học đến với công chúng một cách bền vững hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.