Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa môn học giáo dục truyền thông vào nhà trường

Hạ Yến| 21/06/2019 09:13

(HNMCT) - Công nghệ số đã và đang làm thay đổi cuộc sống của nhân loại, trong đó có ngành Truyền thông. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Thị Việt Hòa, giảng viên truyền thông của Đại học Hà Nội, về truyền thông trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

TS Đặng Thị Việt Hòa.


- Bà có thể cho biết những tác động của truyền thông số đến đời sống xã hội hiện nay?

- Trước khi nói về ảnh hưởng của truyền thông số đến đời sống xã hội, chúng ta cần hiểu truyền thông là gì, truyền thông số là gì? Trong đời sống hằng ngày, từ truyền thông thường được hiểu là quảng bá, tuyên truyền. Ví dụ, ta hay thấy nói cần truyền thông về tác hại của thuốc lá hay cần làm truyền thông mạnh lên... Trong trường hợp này, người chuyển thông điệp mong muốn tác động lên người nhận thông điệp.

Thực ra, truyền thông mang nghĩa rộng hơn, truyền thông tức là chuyển đi một thông điệp. Người chuyển thông điệp có thể chỉ mong muốn người nhận hiểu, thu nhận kiến thức, nhưng cũng có thể mong muốn tác động, thuyết phục, thúc đẩy người nhận thay đổi thái độ và hành vi. Truyền thông số cũng là quá trình chuyển đi thông điệp, nhưng quá trình này sử dụng các công cụ kỹ thuật số, tức là sử dụng Internet (các trang web, mạng xã hội, ứng dụng...).

Truyền thông số có ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt trong đời sống xã hội, từ cách thức quản lý của nhà nước, trường học, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đến cách tạo thông tin và tiếp nhận thông tin trong cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân.

Trước đây, khi chưa có truyền thông số, nhà báo được coi là người giữ cửa thông tin. Họ chọn lọc thông tin, kiểm chứng độ xác thực của thông tin và đưa thông tin đến công chúng. Công chúng tiếp nhận thông tin theo cách tương đối thụ động - thông tin tiếp nhận đã qua quá trình chọn lọc của nhà báo. Tức là nhà báo đóng vai trò quyết định trong việc thông tin nào là quan trọng nhất.

Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp... cũng thông tin đến công chúng qua báo chí hay các hình thức khác; công chúng chủ yếu tiếp nhận thông tin, ít tạo thông tin.

Ngày nay, với Facebook, YouTube, Twitter, các Blog, mỗi người đều trở thành “người sản xuất thông tin”, họ có thể đưa thông tin tới cộng đồng trong một khoảng thời gian cực ngắn nhờ chiếc điện thoại di động.

Điện thoại di động là yếu tố cực kỳ quan trọng trong truyền thông số. Trước đây, chúng ta tiếp cận Internet nhờ máy tính nên chỉ có một số ít người sử dụng mạng. Ngày nay, đa phần người dân đều có thể mua một chiếc điện thoại có nối mạng. Việc sử dụng, tiếp cận các trang web, mạng xã hội hay ứng dụng trở nên phổ biến. Hằng ngày đi chợ, tôi hay gặp các chị bán rau, bán thịt vừa bán hàng vừa xem YouTube, lướt Facebook và bình luận sôi nổi. Truyền thông số về mặt này khiến mọi người bình đẳng hơn trong việc tiếp nhận và tạo thông tin.

- Bên cạnh những yếu tố tích cực, truyền thông số mang đến những thách thức gì, thưa bà?

- Ngày nay, độc giả giữ vai trò chủ động trong việc lựa chọn kênh thông tin và chọn thông tin, họ là người quyết định thông tin gì là quan trọng, vai trò của nhà báo trong việc sắp xếp trật tự thông tin dường như đã bị giảm nhẹ và bị ảnh hưởng bởi độc giả.

Là giảng viên, thường xuyên tiếp xúc và làm việc với sinh viên, tôi thường hỏi các em đọc báo gì, xem kênh truyền hình nào. Tôi nhận thấy, hiện nay, các em không đọc báo giấy và gần như đa phần không xem tivi. Các em tiếp nhận thông tin chủ yếu qua Facebook bằng cách chọn theo dõi, hay thích một số trang nhất định như “kênh 14”, thể thao 247 hay các nhóm Facebook, các kênh YouTube.

Các bạn trẻ, trí thức tương lai của đất nước mà tôi may mắn được tiếp xúc chưa được giải thích xem trang tin khác với tờ báo ở chỗ nào. Các bạn chưa hiểu thông tin qua các kênh chính thống của VTV, hay báo chính thống khác với thông tin được đăng tải bởi một cá nhân bất kỳ hay bởi những trang Facebook như “chửi thuê” hay “không sợ đói”, “không sợ xấu”.... ra sao. Đa phần các bạn trẻ đang tiếp nhận thông tin không được kiểm tra bởi những người xử lý thông tin chuyên nghiệp là các nhà báo.

Vấn đề biết chọn thông tin và đánh giá thông tin là thách thức lớn nhất của truyền thông số. Bởi hiện nay, không phải ai cũng biết cách đánh giá xem thông tin đó có xác thực không, có đáng tin không và có đáng đọc không.

Sinh viên Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông trong một giờ học.


- Vậy theo bà, có cách nào để giải quyết thách thức lớn này?


- Ở các nước Pháp ngữ tiên tiến mà tôi biết là Pháp, Bỉ, Canada đã đưa môn học “Giáo dục truyền thông” vào chương trình giảng dạy. Môn học này cần được đưa vào nhà trường ngay từ lớp 6 khi học sinh bắt đầu quá trình dùng mạng xã hội, tiếp nhận thông tin qua Internet. Các em cần được dạy cách phân biệt các phương tiện truyền thông, cách nhà báo làm tin, cách đánh giá tin tức và dạy cách hành xử trên mạng xã hội; đặc biệt là tự bảo vệ mình trên mạng xã hội.

Khi tất cả học sinh đều biết xử lý thông tin thông minh, chúng ta sẽ tránh được tình trạng "loạn chuẩn", tránh được những xì căng đan đại loại như “sinh thuận tự nhiên”, hay hiện tượng Khá Bảnh. Các bạn trẻ sẽ biết thông tin nào là đáng tin cậy, thông tin nào là tin quảng bá, thông tin nào không phù hợp chuẩn mực xã hội... Như vậy, các bạn sẽ không like, hay chia sẻ khi thông tin không có thật, không có giá trị và không đáp ứng chuẩn mực xã hội.

Tuy nhiên, đưa môn học này vào nhà trường cũng cần lưu tâm chuyển tải thông tin với ngôn ngữ dễ hiểu, mang tính thực tế tránh ngôn ngữ hàn lâm, quá sách vở mang tính “giáo dục đạo đức” xa vời vì như vậy, e rằng mục tiêu của môn học thì hay mà thực hiện thì không được như mong muốn.

- Với những công nghệ hiện đại và tính kết nối đa dạng của truyền thông số, dường như đang có nhiều xu hướng truyền thông mới xuất hiện, vậy theo bà, có thể coi mạng xã hội là một kênh truyền thông hay không?

- Tôi coi mạng xã hội là một kênh thông tin mà chính phủ, các tổ chức, thậm chí nhà báo cần quan tâm để hiểu nhu cầu, mong muốn nguyện vọng của người dân.

Mạng xã hội đơn thuần là một công cụ thông tin. Nó là một kênh thông tin chính thống hay không thì tùy thuộc vào việc cá nhân chủ quản hay cơ quan chủ quản của một trang Facebook hay một kênh YouTube là ai, họ có mục đích gì.

- Cùng với sự ra đời và phổ cập của mạng xã hội là các khủng hoảng truyền thông, rác thông tin chưa bao giờ nhiều và dễ dàng đến thế. Bà đánh giá ra sao về điều này?


- Tôi nghĩ rằng, việc đầu tiên cần làm là đưa vào nhà trường môn học giáo dục truyền thông để giúp học sinh biết đánh giá đâu là rác, đâu là thông tin.

Ngày nay, đọc báo cũng cần biết phân biệt báo lá cải và báo chính thống, bài quảng bá, bài câu view và bài có giá trị thông tin cao. Truyền thông số khiến chúng ta có xu hướng đánh giá thành công của sự kiện hay bài báo dựa theo số view, số comments. Chỉ số này không phải lúc nào cũng đúng.

Có khi số view chỉ là số lần độc giả click vào bài, khi đã click vào bài mới thấy nội dung bài báo không ăn nhập với tiêu đề và bài báo ấy chỉ có mục đích câu view. Khi đó, độc giả không hề yêu thích mà thậm chí còn bực mình vì nội dung bài báo, đồng thời cũng không đọc hết 100% nội dung bài.

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa môn học giáo dục truyền thông vào nhà trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.