(HNMO) - Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2019 tại Hà Nội, diễn đàn “Du lịch outbound: Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 29-3 đã được đại biểu và các công ty lữ hành đề xuất nhiều giải pháp trong việc quản lý để tránh bị trục lợi.
Tiềm năng thuận lợi
Diễn đàn "Du lịch outbound: Cơ hội và thách thức" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ VH,TT&DL tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của đại diện các cơ quan du lịch và công ty lữ hành trong và ngoài nước. Điều này phần nào cho thấy mảng du lịch outbound (đưa khách trong nước du lịch ở nước ngoài) luôn có tiềm năng để các công ty lữ hành khai thác.
Nhiều công ty lữ hành mở bán tour du lịch quốc tế. |
Ông Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, những năm gần đây, lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng trưởng liên tục. Năm 2016, có khoảng 6,6 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, đến năm 2018, con số này tăng lên 10 triệu lượt người. Hiện nay, người Việt Nam không chỉ quan tâm đến thị trường Đông Nam Á mà đang dần quan tâm đến thị trường Đông Á, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông… Đây chính là cơ hội để các công ty lữ hành du lịch mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường.
Đánh giá về tiềm năng của mảng du lịch outbound, bà Nghiêm Ái Phương, Trưởng phòng Du lịch outbound Công ty Saigontourist chi nhánh tại Hà Nội cũng nhận định, hiện nay với việc có nhiều đường bay quốc tế thuận tiện, thủ tục làm visa thuận lợi nên nhiều công ty du lịch xây dựng các gói sản phẩm outbound và coi đây là một trong những thế mạnh để phát triển. Hơn nữa, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Việt ngày càng cao đã giúp cho mảng outbound sôi động, tạo nên sức cạnh tranh hấp dẫn cho thị trường du lịch.
Ngay tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2019, rất nhiều công ty lữ hành như Hanoitourist, Saigontourist, TransViet... cũng "tung" ra những gói sản phẩm du lịch outbound giảm giá hấp dẫn. Nhiều quầy hàng của các công ty du lịch đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên... cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách Việt Nam. Đây chính là minh chứng cho thấy du lịch outbound đang được khách trong nước ưa thích.
Thách thức trong việc quản lý
Mặc dù mảng du lịch outbound đang được các doanh nghiệp chú trọng, nhưng việc quản lý hoạt động du lịch này cũng mang đến không ít thách thức đối với các công ty lữ hành. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, việc quản lý loại hình du lịch outbound còn khá lỏng lẻo. Điều này phần nào khiến cho loại hình này tồn tại không ít vấn đề, ví như việc “núp bóng” du lịch đưa lao động Việt Nam đi rồi trốn ở lại làm việc trái phép ở những thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.
Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2019 thu hút nhiều khách du lịch. |
Ông Nguyễn Tiến Đạt nêu lại trường hợp 46 du khách trốn lại Jeju (Hàn Quốc) năm 2016, vụ việc 152 khách du lịch Việt “bỏ trốn” tại Đài Loan (Trung Quốc) vào cuối năm 2018 không chỉ gây bức xúc cho ngành Du lịch mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, những khó khăn khác trong việc đưa khách nội địa ra nước ngoài đó là nhiều khách du lịch có hành vi ứng xử chưa thật sự văn minh ở những nơi công cộng do thói quen sống. Tình trạng du khách nói chuyện to, vứt rác bừa bãi, lãng phí đồ ăn, đi muộn giờ… thường xuyên xảy ra. “Bản thân TransViet và các công ty du lịch phải sàng lọc để loại bỏ các đối tượng lợi dụng du lịch rồi trốn lại bất hợp pháp. Nhưng điều đáng buồn là những vi phạm này chưa được xử lý nghiêm, rất ít vụ việc bị đưa ra pháp luật hoặc chịu hình phạt nặng”, ông Nguyễn Tiến Đạt bày tỏ.
Về những tồn tại trong mảng du lịch outbound, bà Nghiêm Ái Phương cũng chỉ ra thực tế việc một số công ty bán phá giá khiến cho thị trường outbound của Việt Nam đôi lúc lộn xộn. Theo bà Phương, không ít đơn vị chỉ tập trung vào giá khi xây dựng sản phẩm tour khiến cho nhiều tour không bảo đảm chất lượng. Khách đi nước ngoài nhưng mất nhiều thời gian để đến những điểm mua sắm bắt buộc.
Để hoạt động kinh doanh outbound ngày càng hiệu quả, ông Đoàn Ngọc Xuân Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, trong thời gian tới các bộ, ngành cần hoàn thiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển loại hình du lịch này.
Tại diễn đàn, rất nhiều ý kiến của công ty lữ hành cho rằng, để quản lý tốt hoạt động kinh doanh outbound, ngoài việc bảo đảm các cơ chế, chính sách, quyền lợi cho du khách thì cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài xử lý nghiêm tình trạng trục lợi du lịch để đưa người lao động ra nước ngoài trái phép. Ngoài ra, ngành Du lịch cũng cần sự chung tay của người dân trong việc thể hiện ứng xử văn minh, thanh lịch ở nơi công cộng, góp phần nâng cao hình ảnh của người Việt Nam ở nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.