Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa hàng Tết về ngoại thành

Thanh Hiền| 24/01/2021 06:13

(HNM) - 100 chuyến hàng sẽ được ngành Công Thương Hà Nội đưa về khu công nghiệp, khu chế xuất và vùng nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Các chuyến hàng này không chỉ giúp bà con vùng sâu, vùng xa, người lao động tại các khu công nghiệp được tiếp cận các loại hàng Việt Nam chất lượng cao, mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.

Ngành Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức 100 chuyến hàng lưu động phục vụ người dân khu vực ngoại thành dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Mong chờ những chuyến hàng Tết

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hằng năm, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân. Sản phẩm được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng bình ổn giá…

Dịp Tết Tân Sửu 2021, nhằm đưa hàng Tết đến với người dân khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức 100 chuyến bán hàng lưu động (chưa kể chợ phiên, hội chợ hàng nông sản, thực phẩm). Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và 11.382 trang thông tin điện tử, sàn thương mại điện tử và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hạnh ở xã Ðồng Tân (huyện Ứng Hòa) chia sẻ: "Cứ đến Tết, tôi lại đợi các chuyến hàng do thành phố Hà Nội tổ chức bán trên địa bàn xã để mua sắm. Hàng hóa có giá cả phù hợp, lại có nhiều phần quà khuyến mại. Tôi rất yên tâm, tin tưởng với chất lượng hàng hóa".

Còn chị Nguyễn Thị Kim, công nhân Công ty TNHH Kanayama Precision Việt Nam tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) cho biết, mức thu nhập của hai vợ chồng chị khoảng 13-14 triệu đồng/tháng nên chị thường chọn hàng tiêu dùng thiết yếu giá rẻ bán tại chợ truyền thống mà không biết chất lượng sản phẩm thế nào.

“Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng Việt Nam đã chủ động đưa hàng vào tận nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, giúp người lao động chúng tôi được mua sắm, sử dụng sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, hạn sử dụng bảo đảm, giá cả phù hợp với thu nhập của gia đình tôi”, chị Nguyễn Thị Kim nói.

Với giá cả phù hợp, mặt hàng phong phú, các chuyến hàng lưu động dịp Tết luôn thu hút nhiều người dân mua sắm.

Gắn kết người tiêu dùng với doanh nghiệp

Thông thường, khoảng 2-3 tuần trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bắt đầu đưa các chuyến hàng Việt về khu vực nông thôn. Đối với vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp, các chuyến hàng thường tổ chức sát với ngày người lao động bắt đầu nghỉ Tết và kéo dài khoảng 4-5 ngày. Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, có khoảng 250 chuyến bán hàng lưu động, hội chợ, phiên chợ Việt được các doanh nghiệp tổ chức tại ngoại thành và các khu công nghiệp.

Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội Nguyễn Kim Dung thông tin, mỗi năm, hệ thống siêu thị Co.op Mart tổ chức tối thiểu 10-12 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp. 100% hàng hóa được bán cho người tiêu dùng với giá gốc. Từ các hoạt động đó, người tiêu dùng biết và ưu tiên hơn trong sử dụng hàng hóa Việt Nam tại hệ thống siêu thị Co.op Mart. 

Đánh giá về việc tổ chức bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, đây là một nét đẹp của các doanh nghiệp, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường.

Để tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn, các khu công nghiệp, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, bên cạnh các chuyến hàng lưu động, doanh nghiệp rất cần được tạo điều kiện, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các doanh nghiệp khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, thành phố Hà Nội chỉ đạo chính quyền các huyện tạo điều kiện về mặt bằng, bảo đảm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tổ chức bán hàng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp tạo điều kiện bố trí, giới thiệu địa điểm phát triển mạng lưới bán lẻ cố định... Sở cũng tham mưu thành phố có cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp duy trì các điểm bán lẻ tại khu vực ngoại thành phục vụ người tiêu dùng.

Việc đưa hàng Tết về khu vực ngoại thành đã, đang góp phần giúp người dân khu vực xa trung tâm có cơ hội tiếp cận nguồn hàng chất lượng, an toàn với mức giá phù hợp. Ðồng thời, từng bước gắn kết người tiêu dùng với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa hàng Tết về ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.