Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp

Tiến Thành| 11/07/2022 16:19

(HNMO) - Chiều 11-7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp.

Khắc phục hạn chế trong hoạt động giám sát

Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua hoạt động giám sát cho thấy, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã đưa vào Chương trình công tác hằng năm về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, xác định là nhiệm vụ thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội còn hạn chế. “Để góp phần đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết là cần thiết và phù hợp với vị trí, chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội”, Tổng Thư ký Quốc hội nói.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình.

Quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, có 2 loại ý kiến khác nhau về phạm vi giám sát. Ý kiến thứ nhất đề nghị việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo nguyên tắc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra luật, pháp lệnh, nghị quyết nào sẽ giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết đó; ý kiến thứ hai đề nghị việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.

Về kỳ báo cáo, có ý kiến cho rằng, quy định về kỳ giám sát không bảo đảm tính chủ động trong việc thực hiện chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc, từng Ủy ban và không phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đây là hoạt động không phụ thuộc vào việc các cơ quan thi hành phải báo cáo mà là hoạt động mang tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội thông qua việc theo dõi, xem xét các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trên công báo hoặc do các cơ quan gửi đến. Trong quá trình thực hiện giám sát, trường hợp phát hiện văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật của Quốc hội thì cần báo cáo ngay Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại bất kỳ phiên họp nào.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của đa số các cơ quan của Quốc hội, ý kiến tham gia của Thường trực Ủy ban Pháp luật và từ thực tiễn thực hiện hoạt động này thời gian qua cũng cho thấy, kỳ giám sát như trong dự thảo Nghị quyết cũng phù hợp với thời điểm để các cơ quan của Quốc hội tiến hành đánh giá, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 hằng năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu.

Nhiều văn bản ban hành sai chưa bị xử lý

Phát biểu ý kiến về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết, trong đó cho rằng hai ý kiến về phạm vi giám sát thực tế là một. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, ý kiến thứ nhất sẽ bảo đảm bao quát, đi vào trọng tâm nội dung phạm vi giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Cho ý kiến chỉ đạo về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, trong một năm có bao nhiêu văn bản ban hành sai thẩm quyền, không đúng nội dung mà hiện chưa bị xử lý. “Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề thượng tôn pháp luật là hết sức quan trọng. Thượng tôn pháp luật ở đây trước hết phải ở cơ quan ban hành tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phạm vi giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải theo lĩnh vực được phân công và trừ những trường hợp có quy định khác hoặc theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về kỳ báo cáo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác giám sát thường xuyên được báo cáo vào cuối năm; đồng thời báo cáo đột xuất khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật của Quốc hội. Đối với giám sát chuyên đề làm rõ lĩnh vực có thể kéo dài 1 năm hoặc nhiều năm thì sẽ báo cáo sau khi thực hiện giám sát hoặc báo cáo trong thời hạn cụ thể theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số nguyên tắc chung hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội với tỷ lệ tán thành đạt 100%. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong tháng 7-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.