Ngày 28/11, tại Hà Nội, tập đoàn Tetra Pak VN-Nhà cung cấp giải pháp về công nghệ UHT và đóng gói vô trùng thực phẩm dạng lỏng hàng đầu thế giới đã thực hiện một hoạt động trong chuỗi các hoạt động nhằm phổ biến công nghệ UHT cho khoảng 10.000 sinh viên ngành CNTP tại 17 trường đại học Việt Nam giai đoạn 2015-2016.
Theo đánh giá của Euromonitor International, năm 2014, doanh thu ngành sữa Việt Nam đạt 75.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% và năm 2015 ước đạt 92.000 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Sự tăng trưởng nhanh chóng này một phần nhờ việc ứng dụng công nghệ UHT vào sản xuất. Những doanh nghiệp lớn như Công ty CP sữa Vinamilk, Công ty CP sữa TH True Milk, Công ty sữa Nutifood, Công ty sữa Friesland Campina Việt Nam, Công ty sữa Nestle Việt Nam, Công ty sữa đậu nành Vinasoy… từ lâu đã đưa dây chuyền công nghệ UHT và đóng gói vô trùng của Tetra Pak vào quá trình chế biến và đóng gói sữa vô trùng của họ, bởi đây là phát minh quan trọng trong ngành chế biến công nghệ thực phẩm ở thế kỷ XX.
Theo Tetra Pak, nguyên tắc căn bản của công nghệ UHT là các loại thực phẩm dạng lỏng được tiệt trùng, diệt khuẩn bằng phương pháp xử lý nhiệt ở 135-140 độ C trong thời gian cực ngắn, sau đó làm nguội nhanh xuống nhiệt độ 25 độ C. Chính quy trình xử lý nhiệt siêu cao và làm lạnh cực nhanh này đã giúp tiêu diệt hết vi khuẩn có hại, các loại nấm men, nấm mốc. Đồng thời quá trình này sẽ giữ lại tối đa các chất dinh dưỡng và mùi vị tự nhiên của sản phẩm. Sản phẩm có thể tươi ngon trong 6 tháng hoặc lâu hơn mà không cần phải trữ lạnh hay dùng chất bảo quản.
Ông Nguyễn Long Duy, chuyên gia công nghệ tập đoàn Tetra Pak VN chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên trong hội thảo tại Hà Nội |
UHT rõ ràng là một công nghệ tiên tiến và khả năng ứng dụng rộng rãi được đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nảy sinh một bất cập là các doanh nghiệp kể trên đang gặp một số khó khăn để tuyển dụng những kỹ sư chuyên ngành công nghệ thực phẩm có hiểu biết về công nghệ tiệt trùng UHT. Sinh viên mới ra trường chưa được cập nhật nhiều về công nghệ này. Và một điều nữa là hầu như các ứng viên chưa thoát khỏi kiến thức nhà trường, chưa vận dụng vào quá trình làm việc, chưa có tư duy mở rộng và liên kết. Nếu được nhận vào, họ chưa thể đầu tư tốt vào công việc hiện tại, cũng như chưa vượt qua khối lượng công việc ban đầu được đào tạo.
Anh Trần Văn Thành, một kỹ sư công nghệ thực phẩm mới ra trường cũng cho biết: “Khi đi xin việc, tôi mới hiểu rằng muốn làm việc lâu dài trong các công ty chế biến thực phẩm dạng lỏng như sữa và nước trái cây, điều quan trọng là phải nắm vững công nghệ tiệt trùng UHT. Đáng tiếc là khi còn ở đại học, chúng tôi ít được học hỏi và tiếp cận với các kiến thức và kinh nghiệm về công nghệ này. Vì vậy mà giờ đây tôi phải rất nỗ lực để có thể có được chỗ làm việc.”
Để giải quyết vấn đề bất cập này, dự án phổ biến công nghệ UHT cho khoảng 10.000 sinh viên ngành CNTP tại 17 trường đại học Việt Nam hiện được các sinh viên cũng như các doanh nghiệp đánh giá cao. Theo đó, Tetra Pak cử chuyên gia cao cấp tới các trường đại học lớn trong ngành CNTP ở Việt Nam để thực hiện các chương trình đào tạo về công nghệ UHT. Đồng thời, vào Quý III/2015 Tetra Pak Việt Nam cũng đã kết hợp với Nhà xuất bản Khoa học- Kỹ thuật xuất bản cuốn sách mang tên “Cẩm nang Chất lượng về Xử lý nhiệt và Đóng gói Vô trùng, Sản phẩm có hạn dùng dài” dày 230 trang. Cuốn sách này sẽ được dùng làm quà tặng cho các giảng viên và sinh viên ngành công nghệ thực phẩm tại 17 trường đại học ở VN.
Đại diện tập đoàn Tetra Pak Việt Nam trao sách cho khoa CNTP trường Đại học Bách khoa Hà Nội |
Ông Robert Graves, Tổng giám đốc của Tetra Pak VN cho biết: “ Công nghiệp chế biến thực phẩm và chế biến sữa tại VN đang tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên, vấn đề nhiều doanh nghiệp phải đối mặt chính là nhân lực mới ra trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhất là vì các em chưa được tiếp cận đầy đủ với những kiến thức mới và thực tế về công nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm dạng lỏng như sữa, nước trái cây... Chúng tôi hy vọng rằng hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất luợng nguồn lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đích cuối là mang đến cho người dân Việt Nam các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng cao và an toàn”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.