Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dù thật hay giả, rượu vẫn là độc chất

ANHTHU| 28/10/2008 15:37

Dù thật hay giả, rượu là độc chất mà con người tự nguyện tiêu thụ. (Ảnh: H.Cát)Dù thật, giả hay kém chất lượng, rượu là một độc chất mà con người tự nguyện tiêu thụ. Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cảnh báo, "đệ tử lưu linh" của Việt Nam ngày càng trẻ hơn, mức độ sử dụng rượu bia cao gấp đôi tiêu chuẩn an toàn cho phép.

Lượng rượu tiêu chuẩn được tính như sau: 1 chai hoặc 1 lon bia có dung lượng 360ml, 1 ly rượu vang có dung lượng 150ml, 1 ly rượu mạnh có dung lượng 45ml. Nam giới có thể uống 2 lượng tiêu chuẩn mỗi ngày trong khi nữ giới chỉ nên uống 1 lượng rượu tiêu chuẩn mỗi ngày. Với cùng một lượng rượu và cùng thời gian uống, phái nữ dễ bị xơ gan hơn do khả năng chuyển hóa rượu của họ ít hiệu quả hơn nam giới.

ThS. BS. Đinh Dạ Lý Hương - BV ĐH Y Dược TP.HCM vừa cảnh báo như trên tại một buổi trò chuyện với thầy thuốc mới nhất do Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM tổ chức.

Rượu thật - giả...

Theo BS. Lý Hương, hiện nay chưa có một thống kê nào cho biết chính xác trên thế giới có bao nhiêu loại rượu, nhưng chúng có chung một đặc điểm là chứa cồn ethylic (hay còn gọi là ethanol). Chất cồn này được tạo ra từ đường dưới tác dụng của nấm men hay còn gọi là men rượu.

Rượu vang là rượu lên men không chưng cất từ nước ép trái nho hoặc nước chiết xuất lấy từ cách ngâm đường một số hoa quả khác. Nồng độ cồn trong rượu vang thay đổi từ 8% - 13%.

Còn rượu mạnh là rượu chưng cất thường có nồng độ cồn trên 20%. Các loại rượu trắng, rượu đế, rượu nếp, rượu gạo là cách gọi của một loại rượu sản xuất từ nguyên liệu chính chứa tinh bột như gạo, nếp, bắp... qua công đoạn lên men và chưng cất một cách thủ công.

Việt Nam có các làng nghề sản xuất rượu đế nổi tiếng và các loại rượu này có độ cồn từ 30 - 40%. Các loại rượu mạnh nhập khẩu như Whisky, Johnny Walker, Brandy, Martin, Gin... có nồng độ cồn từ 40 - 60%.

Trong khi đó, gần một tháng qua, từ hàng chục ca tử vong liên quan đến ngộ độc rượu, các cơ quan chức năng phát hiện một mê hồn trận rượu giả chứa hàm lượng methanol vượt quá mức cho phép từ vài chục đến vài trăm lần.

Methanol còn gọi là alcol methylic, carbinol hay đơn giản hơn là rượu gỗ. Đó là chất lỏng không màu, dễ bốc cháy, mùi vị giống rượu ethanol, có các lý tính như ethanol... Methanol được dùng trong công nghiệp ví dụ như pha chế các loại sơn đánh bóng đồ gỗ, chất lau kính xe, chế mực in cho máy photocopy... Và để tránh nhầm lẫn với các loại dùng để uống, người ta cho chất màu xanh vào methanol, nên còn gọi là cồn xanh.

BS. Lý Hương cho biết, có rất nhiều cách khiến cho hàm lượng methanol trong rượu cao. Ví dụ, rượu chế từ cồn công nghiệp. Người nấu rượu sẽ dùng cồn công nghiệp pha với nước lã, tạo ra rượu trắng, sau đó thêm nước cốt rượu gạo, rượu nếp... tuỳ theo yêu cầu. Hoặc, rượu trắng ấy, người ta có thể pha với nước cốt thảo mộc, cho ra rượu thuốc, ngâm đủ thứ loại cho ra rượu khế, rượu nhàu, rượu rắn, rượu trứng kiến, rượu ngọc dương, rượu ngầu pín...

Vào những thập niên 80, tại TP.HCM, hàng loạt ca tử vong và ngộ độc vì rượu chưng cất từ khoai mì trộn với mạt cưa. Các nhà nấu rượu tận dụng bã mía vụn hoặc mật mía cặn. Trong quá trình lên men và chưng cất, bã sẽ phân huỷ cho ra hàm lượng methanol trong rượu rất cao.

Thông thường, để tăng lợi nhuận, người ta dùng cồn ethylic kém chất lượng, dung hòa với nước để có rượu. Một lượng lớn rượu bán trên thị trường chế theo cách này. Loại cồn có chất lượng kém vốn có hàm lượng methanol aldehyd, aceton cao vượt tiêu chuẩn cho phép.

Ngoài ra người ta đã không loại bỏ phần rượu chứa methanol lúc đầu. Khi chưng cất rượu trắng có 3 phần rượu thu được. Phần rượu đầu ngoài ethanol ra, còn chứa các tạp chất độc hại khác là methanol, acetaldehyde, các acid và ester có độ sôi thấp. Phần rượu giữa, phần nhiều là cồn ethanol dùng để uống. Phần rượu cuối có chất độc furfurol, các cồn khác độc hơn ethanol.

Methanol còn hiện diện trong rượu nhờ "sáng chế" nâng cấp rượu.  Nếu rượu đủ tiêu chuẩn thường phải đạt 45 độ. Nhưng người chế rượu thường chỉ nấu rượu nồng độ khoảng 20 - 30 độ; sau đó tiến hành pha thêm cồn công nghiệp để biến rượu dở thành rượu "xịn"

... Đều là độc chất

"Uống rượu dỏm (methanol) chậm say hơn rượu thật (ethanol), nhưng nguy hiểm vì rất độc, đào thải chậm và tích luỹ dần dần. Tuỳ theo sự nhạy cảm của từng người, chỉ cần hấp thu dần dần đến mức 7ml methanol là có thể gây hôn mê và chết," BS. Lý Hương nói.

Khi vào cơ thể methanol được chuyển hóa thành formaldehyd và acid formic rất độc, làm ngưng hô hấp tế bào, nhất là tế bào thần kinh, tích luỹ ở dây thần kinh thị giác, làm rối loạn khả năng nhìn. Một dấu hiệu của ngộ độc methanol là người uống không còn nhìn thấy mọi vật và có khi mù hẳn ngay cả khi đã được cấp cứu tránh khỏi tử vong.

Còn đối với rượu thật, con người cũng có thể bị ngộ độc và dẫn đến tử vong. Bản thân ethanol không có độc tính cao, nhưng trong quá trình chuyển hóa khi vào cơ thể, ethanol sinh ra acetaldehyde, có tác động ức chế hệ thần kinh.

"Khi uống một lúc vài ly rượu mạnh, lượng cồn vào máu tăng cao gây cảm giác choáng váng nôn nao khó chịu. Tiếp tục uống thêm có thể dẫn đến nhiễm độc tế bào, tăng acid uric máu, hư hại nội tạng như viêm dạ dày cấp, viêm tuỵ cấp... Gan là cơ quan chính để chuyển hóa rượu, nên sẽ trở thành cơ quan bị tàn phá nhất. Rượu làm xơ cứng gan, dẫn đến ung thư gan," BS. Lý Hương cảnh báo.

Tùy theo thời gian và mức độ nghiện rượu của mỗi người mà dẫn đến tình trạng tổn thương gan khác nhau. Giai đoạn sớm, gan có thể bị thoái hóa mỡ. Nặng hơn, rượu có thể gây viêm gan, biểu hiện bằng chứng chán ăn, mệt mỏi, thỉnh thoảng đau tức vùng hạ sườn và vàng da. Lâu ngày, gan trở nên chai cứng, chức năng gan suy giảm nặng nề: lách to, mắt vàng, bụng chướng, chân phù, men gan tăng... sau cùng là hôn mê và tử vong.

Việc lạm dụng rượu bia kéo dài, ngay cả những loại rượu thật an toàn cũng có thể gây ra những tổn hại lâu dài cho sức khoẻ của người uống. Tim là cơ quan dễ bị tác động nhất bởi rượu.  Người uống rượu dễ bị bệnh cao huyết áp, xơ mỡ động mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...

Rượu bia còn tác động lên các vi khuẩn đường ruột, làm giảm sút khả năng hấp thu chất đạm, chất đường, chất béo, vitamin B9, B12... dẫn đến viêm loét dạ dày, viêm tuỵ mạn tính. Người uống rượu lâu ngày dễ bị thiếu máu. Bia rượu còn khiến cơ thể giảm khả năng đề kháng, nên dễ bị dị ứng với các loại thức ăn.

Nam giới uống nhiều rượu sẽ suy giảm khả năng tình dục, giảm chất lượng và số lượng của tinh trùng. Phụ nữ uống rượu nhiều dễ dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều, suy giảm tình dục. Uống rượu lúc mang thai sẽ khiến cho thai nhi có nguy cơ bị dị dạng hoặc gây sảy thai.

H. Cát (VNN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Dù thật hay giả, rượu vẫn là độc chất

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.