(HNM) - Vừa qua, Bộ Công an đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình trình Chính phủ xem xét, đồng thời đưa ra lấy ý kiến của nhân dân.
Một buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy |
Ông Chu Hữu Thoa, phường Đồng Tâm (Hai Bà Trưng):Quy định vẫn còn "lỗ hổng"
Tại điểm d khoản 2, Điều 10 quy định "ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào tàu, thuyền, xe lửa hoặc các phương tiện giao thông khác, vào người, đồ vật, tài sản của người khác"
thì bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Tương tự, khoản 4, Điều 12 cũng quy định "đối với một trong những hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác" thì bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Vậy, với việc bôi, sơn, đặt... những chất gây bẩn vào nhà, tài sản, phương tiện giao thông... thì có bị áp vào quy định trên hay không vì điều khoản nêu rõ chỉ hành vi "ném", "đổ" mới là vi phạm?
Chị Lê Quang, phố Quang Trung (Hoàn Kiếm): Nặng về cảm tính
Điểm a, khoản 1, Điều 11 quy định việc "gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo trong khoảng thời gian từ 23h hôm trước đến 5h ngày hôm sau" sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Nhưng định nghĩa thế nào là tiếng động lớn? Ở mức độ thế nào thì bị coi là vi phạm? Cũng với quan niệm "say rượu, bia" quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 10 và khoản 1, Điều 34 cũng khiến nhiều người không hiểu mức độ thế nào là "say" vì người say sẽ không bao giờ thừa nhận họ say và dễ nảy sinh sự tùy tiện của người có thẩm quyền xử lý. Do đó, cần quy định cụ thể về nồng độ cồn trong máu hay trong khí thở thì sẽ chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, điểm c, khoản 1, Điều 12 ghi: "Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung" sẽ là vi phạm. Tuy nhiên, với thực trạng thiếu trầm trọng các nhà vệ sinh công cộng như hiện nay thì quy định này chưa thật sự có tính khả thi...
Ông Vũ Ngọc Doanh (Định Công, Hoàng Mai): Một số quy định thiếu tính thuyết phục
Điểm d, khoản 2 Điều 33 quy định "bán thơ đề, bán số lô, số đề" sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng, tuy nhiên "thơ đề" chưa có định nghĩa chính thức nào về "thơ đề". Mặt khác, với người cho, tặng "thơ đề" thì có vi phạm hay không? Cũng tại điểm c, khoản 3 quy định "làm thơ đề" sẽ bị phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Theo tôi, với hành vi "làm thơ đề" mà không phát tán, tuyên truyền thì cũng không ảnh hưởng đến ai, do đó cũng không nên áp mức phạt cao như vậy.
Anh Nguyễn Chánh (Quan Hoa, Cầu Giấy): Cần quy định cụ thể mốc thời gian...
Tại điểm a, khoản 2, Điều 15 quy định với người "bỏ lại chứng minh nhân dân (CMND) sau khi bị kiểm tra, tạm giữ" sẽ bị phạt tiền. Tôi băn khoăn vì không rõ thế nào là "bỏ lại". Để hiểu chính xác, cần quy định mốc thời gian cụ thể, sau bao lâu không quay lại lấy CMND thì bị coi là "bỏ lại" và phải loại trừ trường hợp có lý do chính đáng. Ngoài ra, khoản 1, 2 Điều 22 quy định với một trong những hành vi tự ý xê dịch, tháo dỡ, phá hủy hoặc làm bất cứ việc gì khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển chỉ dẫn, biển hiệu của cơ quan chức năng hay với hành vi tự ý xê dịch, tháo dỡ cột dây điện thoại, điện tín... sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng. Vậy, với hành vi tự ý đặt các loại biển báo ở nơi công cộng thì có bị xử phạt hay không?
Chị Nguyễn Thị Hồng (Đức Thượng, Hoài Đức): Phải tính đến những trường hợp ngoại lệ
Điều 40 quy định những hành vi vi phạm trong vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ, tại điểm a, khoản 1 ghi rõ: "Làm hư hỏng, nhàu nát giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ" là vi phạm. Và tại điểm d, khoản 1, điểm g, khoản 4 quy định hành vi "làm mất giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ", tùy mức độ sẽ bị phạt tiền... Tôi cho rằng quy định như vậy sẽ không lường hết được các tình huống nảy sinh trong thực tế. Cụ thể, các văn bản, giấy tờ chỉ cần bảo đảm có giá trị pháp lý thì sẽ có hiệu lực, nhưng chỉ vì "nhàu, nát" mà bị coi là vi phạm thì chưa thuyết phục. Tương tự, nếu việc làm mất giấy phép vận chuyển là do khách quan, do các tình huống như: Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, bất khả kháng... thì không lẽ cũng là vi phạm? Do đó, cần quy định rõ sự ngoại lệ trong điều luật này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.