Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt: Lợi ích thuộc về ai?

Dương Hằng| 01/02/2013 07:13

(HNM) - Dự thảo nghị định về thanh toán bằng tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Các cột ATM sẽ trở nên quá tải khi thực hiện việc giao dịch không bằng tiền mặt.


Ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Hòa Thạch, Quốc Oai:"Đánh đố" nông dân

Tôi được biết, từ lâu việc hạn chế lưu thông tiền mặt trên thị trường được áp dụng ở nhiều nước, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn nạn rửa tiền, trốn thuế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, một đất nước mà nông dân vẫn chiếm tỷ lệ lớn thì việc triển khai hạn chế lưu thông tiền mặt trong các giao dịch, e rằng khó có thể thực hiện ngay.

Tôi đồng ý, người dân không được thanh toán bằng tiền mặt đối với giao dịch giá trị lớn, như mua bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô… Đối với những giao dịch như mua, bán, chuyển nhượng xe mô tô hai bánh (kể cả xe đạp điện), các loại xe tương tự phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, nếu không được thanh toán bằng tiền mặt thì quá bất tiện. Bởi lẽ, hầu hết người nông dân không có tài khoản tại các ngân hàng, đó là chưa kể những địa phương vùng sâu, vùng xa, người dân phải đi vài chục, thậm chí cả trăm cây số mới tới được ngân hàng, như vậy khác nào "đánh đố"!

Ông Nguyễn Văn Viễn, đại diện công ty xây dựng, quận Hà Đông:Không nên vội vàng, áp đặt

Khi thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ khiến thị trường giảm các yếu tố tiêu cực, người dân giảm được rủi ro, tiền giả. Tuy nhiên, hình thức thanh toán bằng thẻ ở Việt Nam hiện nay còn quá nhiều hạn chế, chưa thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, đặc biệt khu vực nông thôn. Vì lâu nay, việc thanh toán bằng tiền mặt diễn ra hằng ngày, ở mọi lúc mọi nơi và người dân có thói quen sử dụng tiền mặt. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam vẫn chưa hình thành được hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm thuận tiện cho việc giao dịch bằng các phương tiện ngoài tiền mặt như thẻ ATM, chuyển khoản. Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để khi được thông qua nghị định có thể đi vào cuộc sống; cần có lộ trình cụ thể trên cơ sở hội tụ đầy đủ điều kiện bảo đảm tính thực thi. Theo tôi, trước mắt chỉ nên thực hiện thí điểm tại các thành phố lớn, sau đó mới triển khai ra các địa phương khác, không nên vội vàng, áp đặt.

Ông Khổng Minh Tuấn (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy):Hai lĩnh vực cần cân nhắc

Hạn chế thanh toán bằng tiền mặt còn góp phần minh bạch hóa, lành mạnh hóa các giao dịch liên quan đến vốn nhà nước và phòng chống tham nhũng. Khi đã có tài khoản, việc thanh toán của các chủ thể thông qua hình thức chuyển khoản sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cần cân nhắc ở hai vấn đề: Thứ nhất là việc áp dụng phí, vì theo quy định này thì chỉ ngân hàng là có lợi, còn người dân vừa phải đóng thuế khi tham gia giao dịch mua bán, lại phải chịu thêm phí khi chuyển khoản qua ngân hàng. Thứ hai là đối tượng áp dụng mới chỉ tập trung ở các trung tâm thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công ty, HTX. Còn lại đa phần người nông dân, những người ở vùng sâu, vùng xa họ không có tài khoản, các giao dịch mua - bán, chuyển nhượng của họ theo thói quen từ xưa tới nay chủ yếu là sử dụng tiền mặt, vàng, lại "miễn phí", nên rất khó kiểm soát. Để nghị định đi vào lòng dân, mang lại hiệu quả cao thì cần có hạn mức phí hợp lý, hạn mức tiền cho những giao dịch cụ thể, rõ ràng và một lộ trình với những giải pháp đồng bộ ở cả đô thị và vùng sâu, vùng xa.

Bà Kiều Thị Thanh, Bộ Y tế:Thời gian giao dịch kéo dài

Một số điểm quy định trong dự thảo nghị định khiến cho việc mua, bán bị kéo dài thời gian, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, thời điểm kinh doanh… Riêng về hạn mức phí, chỉ đơn cử đối với những giao dịch trả góp có giá trị trên, dưới 1 tỷ đồng, khách hàng trả góp nhiều lần, mỗi lần thanh toán, nếu ngân hàng tính phí 0%, thì sẽ thuận tiện cho người tham gia giao dịch. Nhưng nếu tính phí thì vô hình trung, giá hàng hóa bị đội lên, cả người bán và mua đều thiệt thòi. Tôi thấy, Nhà nước cần có thêm chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với doanh nghiệp, cá nhân không sử dụng tiền mặt khi thanh toán thì việc thực hiện nghị định sẽ thuận lợi hơn. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cũng cần kết nối giao dịch, phát triển dịch vụ internet banking, để người dân ở bất cứ đâu, chỉ cần ngồi bên cạnh máy tính là có thể giao dịch được, không cần phải đến ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt: Lợi ích thuộc về ai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.