Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dư nợ cho vay cá nhân, hộ gia đình chiếm 15% tại 17 ngân hàng thương mại

Hà Linh| 14/09/2021 15:12

(HNMO) - Theo báo cáo tài chính của 17 ngân hàng thương mại có phân loại cho vay theo ngành nghề (không bao gồm 3 ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - VietinBank, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), trong những tháng đầu năm 2021, có gần 2,7 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay được phân bổ vào các ngành nghề chính.

Ảnh minh họa.

Các ngân hàng cho vay chủ yếu vào cá nhân, hộ gia đình, bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản, trong đó tập trung cho vay cá nhân, hộ gia đình nhiều nhất với dư nợ 397.049 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 15%.

Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho vay cá nhân, hộ gia đình nhiều nhất với 113.066 tỷ đồng dư nợ, chiếm tỷ trọng trên 40%. Nếu tính hợp nhất (cộng cả Công ty Tài chính FE Credit), đạt hơn 173.000 tỷ đồng dư nợ, chiếm tỷ trọng trên 50%. Đứng thứ hai về ngân hàng cho vay cá nhân, hộ gia đình là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) với 108.066 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 30% dư nợ.

Bán buôn, bán lẻ là ngành được ngân hàng rót tiền nhiều thứ hai, sau cá nhân và hộ gia đình, chiếm tỷ trọng 12,35%. Đây cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng tỷ trọng mạnh nhất trong các ngành được ngân hàng phân bổ cho vay.

Ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ngân hàng cho vay chiếm tỷ trọng gần 11% và bất động sản chiếm 8,13%. Trong đó, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), cho vay doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đạt 101.000 tỷ đồng, chiếm hơn 32% tổng dư nợ của ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dư nợ cho vay cá nhân, hộ gia đình chiếm 15% tại 17 ngân hàng thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.