(HNM) - Những ngày cuối năm, thị trường thực phẩm sạch rất sôi động do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Nhìn chung nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán năm nay khá dồi dào, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô...
Các cơ quan liên ngành tăng cường kiểm an toàn thực phẩm trong thời gian giáp Tết Nguyên đán. Ảnh: Phương Vy/TTXVN. |
Chị Phạm Thanh Phương, cán bộ Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội cho hay: Năm nay, sản phẩm chăn nuôi, hải sản, nhất là sản phẩm đã qua chế biến đang “hút” khách. Việc kết nối sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao của các tỉnh về Hà Nội như: Tôm chua, tôm đất khô của tỉnh Cà Mau, lạp sườn hun khói Cao Bằng, thịt bò khô Phú Yên… đang diễn ra sôi động. Theo chị Phương, các đơn đặt hàng mua nông sản trên thị trường Hà Nội đã tăng từ 20 đến 30% so với cùng kỳ tháng trước.
Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) là địa chỉ nổi tiếng với các sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu A-Z, thời điểm này cũng đẩy mạnh cung ứng sản phẩm đã qua chế biến như giò xào, giò lụa, chả… ra thị trường. Tất cả sản phẩm của hợp tác xã đều được chế biến từ thịt lợn sinh học, theo quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến. Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long cho biết, đơn vị cam kết không tăng giá thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và sẵn sàng giao hàng theo yêu cầu với điều kiện khách hàng đặt từ 3kg sản phẩm các loại trở lên.
Bên cạnh đó, giá gà ta các loại trên thị trường đã bắt đầu rục rịch tăng nhẹ khiến người chăn nuôi phấn khởi. Bà Đặng Thị Hiêm, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức chia sẻ: "Gia đình chuẩn bị xuất chuồng 1.000 con gà, ước tính mang lại lợi nhuận hơn 30 triệu đồng". Còn chị Nguyễn Thị Hương, thương lái tại chợ Bông Đỏ (phường La Khê, quận Hà Đông) cho hay, vào dịp Tết Nguyên đán người tiêu dùng ưa chuộng các loại gà thả vườn, chăn nuôi tự nhiên. Vì vậy, giá loại gà này tăng cao với mức bán phổ biến tại chợ khoảng 100.000 đồng/kg, chưa qua giết mổ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, thói quen tiêu dùng gà thả vườn tươi sống của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán dẫn tới nhiều diễn biến khó lường của thị trường cũng như việc kiểm soát chăn nuôi, giết mổ. Do đó, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, chuyển từ sử dụng các sản phẩm gà ta thả vườn tại chỗ sang thịt mát, thịt cấp đông sẽ góp phần bình ổn giá cả mặt hàng này vào dịp Tết.
Theo tính toán, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ từ 800 đến 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại. Đến nay, thành phố đã tự chủ được 60% nhu cầu, còn lại là nguồn cung từ các tỉnh và nhập khẩu. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm từ chăn nuôi tăng khoảng từ 15 đến 20%, tuy nhiên sẽ khó có tình trạng sốt giá, tăng giá do nguồn cung tại chỗ của Hà Nội cũng như các tỉnh nhập về khá dồi dào.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 23 chuỗi liên kết từ chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Việc tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi bước đầu đã ổn định thông qua các ràng buộc hợp đồng rõ trách nhiệm giữa các nhóm tham gia chuỗi, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi Thủ đô theo hướng bền vững, hiệu quả. Đáng lưu ý, toàn bộ các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố được ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thường xuyên và định kỳ lấy mẫu kiểm tra sản phẩm để giám sát dịch bệnh, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Còn nguồn thực phẩm từ chăn nuôi nhập về Hà Nội cũng được cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, nhất là nhóm ngành hàng có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.