(HNM) - Ngày 31-3, một số nguồn tin báo chí nước ngoài tiết lộ Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một chỉ thị mật cho Cơ quan tình báo trung ương (CIA) tiến hành các hoạt động ngầm nhằm hỗ trợ lực lượng chống đối chính phủ Libya. Trước đó, Mỹ, Pháp và Anh đều tăng khả năng vũ trang cho lực lượng này, dù nhấn mạnh chưa có quyết định nào được đưa ra.
Trước những diễn biến trên, ngày 31-3, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã lên tiếng phản đối ý tưởng của Mỹ và Anh về việc vũ trang cho lực lượng nổi dậy tại Libya, khẳng định NATO hiện diện tại quốc gia Bắc Phi này để bảo vệ và không vũ trang cho người Libya.
Trong khi đó, làn sóng phản đối chiến dịch quân sự của liên minh vào Libya tiếp tục lan rộng. Ngày 31-3, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Uruguay Jose Mujica đang ở thăm, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cũng lên án hành động liên quân ném bom ở Libya, đồng thời nhắc lại đề xuất thành lập một ủy ban hòa bình làm trung gian hòa giải giữa chính quyền Libya và lực lượng chống đối thay cho việc can thiệp quân sự. Tại Mátxcơva, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) Ghennady Ziuganov đã lên tiếng yêu cầu chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến xâm lược Libya.
Theo kết quả thăm dò dư luận tại Mỹ do Trường Đại học Quinnipiac (Mỹ) tiến hành từ ngày 22 đến 28-3, có 47% số người được hỏi phản đối Mỹ can dự chiến dịch quân sự chống Libya, 58% cho rằng mục tiêu của Mỹ tham gia chiến dịch này không được làm rõ, 61% cho rằng việc lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muamar Gaddafi không đáng để lính Mỹ tham chiến và có thể thiệt mạng. Hạ viện Mỹ ngày 30-3 đã mở phiên điều trần về sự can dự quân sự của Mỹ ở Libya. Tại cuộc điều trần kéo dài bốn tiếng đồng hồ với sự tham dự của những quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) James Clapper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mike Mullen, các nghị sỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhắc lại quan điểm phản đối Mỹ tham gia chiến dịch quân sự ở Libya do lo ngại về chi phí chiến tranh, thời gian tiến hành cuộc chiến và những vấn đề liên quan tới hiến pháp. Sau Hạ viện, Thượng viện Mỹ cũng sẽ tiến hành điều trần về vấn đề này.
Ngày 31-3, Chính phủ Anh cho biết, Ngoại trưởng Libya Moussa Koussa hiện đang ở Anh và đã từ bỏ chức vụ trong Chính phủ Libya.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.