(HNMO) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, với yêu cầu mới, du lịch đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để vượt qua khó khăn, thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn nhận thách thức
Sau đợt dịch Covid-19 thứ nhất, ngành Du lịch đã có khoảng thời gian hơn 2 tháng (từ tháng 5 đến giữa tháng 7) có sự khởi sắc rõ nét nhờ vào các chiến dịch kích cầu hiệu quả theo chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu, thì du lịch Việt Nam lại đối diện khó khăn, khủng hoảng khi đợt dịch mới xuất hiện. Hàng chục nghìn tour với hàng triệu du khách liên tục hủy tour, khiến các doanh nghiệp du lịch một lần nữa chao đảo.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), hết tháng 8-2020, tỷ lệ hủy phòng các khách sạn là khoảng 98-100% ở hầu hết các địa phương. Số lượng hủy tour tại Hà Nội là 32.000 tour, tại thành phố Hồ Chí Minh là 35.000 tour... Rất nhiều công ty du lịch phải xử lý đơn hủy, hoãn tour của khách đến hết năm.
Nhận định về thách thức, khó khăn mà ngành Du lịch đang đối diện, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phân tích, trong đợt kích cầu "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" vừa qua, các doanh nghiệp, khách sạn giảm sâu giá dịch vụ để thu hút khách. Ngành Du lịch có khởi sắc, nhưng mới chỉ là khởi động và nuôi dưỡng lại bộ máy, chứ chưa kịp thu lợi nhuận.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn, áp lực lớn nhất là các công ty lữ hành phải hoàn tiền cho khách, nhưng lại không được hoàn các khoản ứng trước như tiền đặt cọc hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho nhà cung cấp vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, hàng không.
Du lịch là hoạt động đa ngành nghề, nên khi lượng khách bị sụt giảm sẽ kéo theo nhiều dịch vụ ảnh hưởng. Không riêng khối lữ hành, các cơ sở lưu trú vẫn "nằm im bất động" chờ cơ hội để hoạt động. Nhiều điểm di tích phải cho nhân viên nghỉ luân phiên.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cho biết, lượng khách tại các di tích lịch sử, văn hóa hiện nay gần như không có. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn nỗ lực duy trì, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách đúng quy định.
Tìm giải pháp vượt qua thách thức
Trước khó khăn, thách thức nhìn thấy rõ, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với các đơn vị kinh doanh du lịch để tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần rà soát khó khăn, kiến nghị với Chính phủ cho phép các đơn vị tiếp cận được những nguồn vay vốn của ngân hàng với lãi suất thấp để hỗ trợ trong giai đoạn này. Đồng thời, các đơn vị hoạt động du lịch cần có cam kết rõ ràng thời gian hoàn, hoãn các tour du lịch chưa thực hiện được giai đoạn này cho du khách.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, thời gian này, nhiệm vụ hàng đầu vẫn là bảo đảm an toàn cho du khách, vì thế Sở đã có văn bản gửi các đơn vị kinh doanh du lịch yêu cầu thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các đơn vị cần hướng dẫn, phân luồng du khách để bảo đảm không tập trung khách đông tại một điểm. Ngoài ra, ông Trần Trung Hiếu cũng gợi ý, trong thời điểm hoạt động du lịch tạm lắng, các đơn vị vẫn tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch mới để giới thiệu tới du khách ngay khi dịch được kiểm soát.
Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đang điều chỉnh kế hoạch kích cầu theo diễn biến của dịch. Nhiều hoạt động chuẩn bị cho đợt kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội hay các sản phẩm du lịch cho mùa thu vẫn đang được Sở khuyến khích các đơn vị xây dựng.
Bàn về giải pháp khắc phục khó khăn cho du lịch, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, thời điểm này, hoạt động du lịch chưa dừng hẳn. Vì thế, các đơn vị cần có sự đánh giá, phân tích thị trường, hướng khách đến những vùng, điểm du lịch chưa có dịch. "Lúc này, các đơn vị không thực hiện những đoàn du khách đông, mà cần xây dựng những sản phẩm dành cho những nhóm khách nhỏ như gia đình, bạn bè", ông Phùng Quang Thắng nói.
Ngành Du lịch đang nỗ lực tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép đã đề ra. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong cái khó chung, toàn ngành cần tìm các giải pháp khắc phục, thực hiện mục tiêu mà Thủ tướng đề ra; sớm xây dựng kế hoạch, phương án phục hồi khách du lịch trong điều kiện cho phép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.