(HNM) - Công cuộc đổi mới toàn diện 30 năm qua của Việt Nam đã tạo ra những bước tiến lớn cho ngành Du lịch. Từ một đất nước ít được du khách quốc tế quan tâm, với khoảng trăm nghìn khách/năm, đến nay, Việt Nam đã có tên trên bản đồ du lịch thế giới, với lượng khách quốc tế tăng ổn định...
Du khách quốc tế luôn đón nhận tình cảm nồng ấm khi đến Việt Nam. Ảnh: Minh Tuấn |
Tăng trưởng cao...
Đánh giá kết quả 30 năm đổi mới của ngành Du lịch, Chánh văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội Vũ Chính Đông cho rằng, thành tựu lớn nhất chính là sự thay đổi về tư duy làm du lịch. Thời kỳ bao cấp, hoạt động du lịch chỉ nhằm mục đích phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thì nay được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này luôn được thể hiện trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII và IX. Đại hội Đảng lần thứ X tiếp tục khẳng định đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo bước đột phá để phát triển vượt bậc khu vực dịch vụ, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Thực tế cũng đã chứng minh, trong suốt 30 năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, với mức tăng trưởng bình quân năm cao trên hai con số. Nếu năm 1990 (lần đầu tiên phát động Năm Du lịch Việt Nam) lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 250.000 lượt, thì đến năm 2007, Việt Nam đã đón 4,2 triệu lượt khách, tăng 16,8 lần. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh, từ 1 triệu lượt khách năm 1990, lên 19,2 triệu lượt năm 2007. Đến năm 2014, cả nước đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 230.000 tỷ đồng.
Cả nước hiện có 1.573 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 10.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Tổng số hướng dẫn viên được cấp thẻ là 16.569 người, trong đó có 7.086 hướng dẫn viên du lịch nội địa, 9.483 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hàng chục nghìn thuyết minh viên tại các điểm du lịch. |
Năm 2014-2015 là hai năm khó khăn liên tiếp của ngành Du lịch Việt Nam, song cũng là khoảng thời gian Chính phủ có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển du lịch. Đó là Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8-12-2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch; Nghị quyết số 39/NQ-CP và Nghị quyết số 46/NQ-CP về miễn thị thực nhập cảnh trong thời hạn 1 năm cho công dân 6 quốc gia (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia và Belarus), có hiệu lực từ ngày 1-7-2015.
Nhờ có chính sách khuyến khích kịp thời của Chính phủ, dù lượng khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2015 giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng những tháng cuối năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại. Số lượng khách quốc tế từ 6 thị trường mới được miễn thị thực nhập cảnh tăng, trong đó lượng khách từ thị trường Tây Ban Nha, Italia tăng trên 10%. Kết quả, năm 2015, du lịch Việt Nam vẫn đón 7.943.600 lượt khách quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỷ đồng.
Bùng nổ cơ sở lưu trú
Những năm gần đây, sự ra đời của nhiều cơ sở lưu trú (khách sạn và tổ hợp resort) 4 - 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế của một số thương hiệu lớn như: Vingroup, Sungroup, FLC... đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong lĩnh vực lưu trú. Nếu năm 2007, cả nước mới có 9.000 cơ sở lưu trú đạt chuẩn với 180.000 buồng, thì năm 2015, con số này là 18.800 cơ sở với trên 355.000 buồng; trong đó có 91 khách sạn 5 sao, 215 khách sạn 4 sao, 441 khách sạn 3 sao, còn lại là các khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn.
Ông Reno Mueller, chuyên gia trong lĩnh vực khách sạn quốc tế đánh giá, chất lượng dịch vụ của ngành công nghiệp khách sạn tại Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao và các tiêu chuẩn thương hiệu được thực hiện một cách đồng bộ. "Về triển vọng phát triển, một vài khách sạn lớn như JW Marriott Hotel Hanoi hay Park Hyatt Saigon và các khu nghỉ dưỡng như Inter Congtinental Danang Sun Peninsula Resort hay Six Senses Con Dao đang được ghi nhận là những điểm đến hàng đầu ở khu vực Châu Á, sánh ngang với các khách sạn tại các thị trường lâu đời ở Singapore, Thái Lan hay Malaysia" - ông Reno Mueller khẳng định.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của ngành Du lịch thời gian tới. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam sẽ triển khai một loạt các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đón 10 - 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP cả nước; các cơ sở lưu trú có 580.000 buồng, trong đó 35 - 40% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao, giải quyết công ăn, việc làm cho khoảng 3 triệu người.
Ngành Du lịch cũng sẽ phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch "xanh", tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.